Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Con nuôi không đăng ký có được hưởng quyền thừa kế không?

9:52 SA
Thứ Bảy 29/06/2024
 229

Từ trước đến nay, việc nhận nuôi con nuôi không còn là vấn đề mới mẻ với người dân Việt Nam bởi lẽ nó đã phần nào thể hiện được truyền thống nhân đạo, yêu thương nhau của dân tộc ta. Nhận nuôi con nuôi ngoài giúp những gia đình có hoàn cảnh hiếm muộn được thỏa nỗi lòng được làm cha làm mẹ mà còn giúp cho những đứa trẻ cơ nhỡ, lạc lõng ngoài kia có một mái ấm gia đình, được lớn lên, phát triển hơn trong tình yêu thương gia đình. Vậy thì việc nhận nuôi con nuôi có cần phải đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền hay không? Trong trường hợp con nuôi không có đăng ký thì có được hưởng quyền thừa kế hay không?

 

1. Thế nào được coi là "con nuôi" ?

Căn cứ theo Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 3 Luật nuôi con nuôi 2010 có quy định:

“ 1. Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.

2. Cha mẹ nuôi là người nhận con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký.

3. Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký.”

Vậy thì, việc nuôi con nuôi là việc có xác lập quan hệ giữa cha, mẹ và người con được nhận nuôi lâu dài vì lợi ích của người con nhận nuôi. Con nuôi được nhà nước công nhận khi người nhận nuôi phải tuân theo những trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, có đủ điều kiện để được nhận làm con nuôi hay người nhận nuôi phải đăng ký việc nhận nuôi con nuôi tại cơ quan có thẩm quyền.

2. Pháp luật quy định thế nào về quyền hưởng thừa kế của con nuôi?

  • Thừa kế theo di chúc:

Căn cứ Điều 624 Bộ luật dân sự 2015 có quy định: “ Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”

Vậy nên, nếu cha, mẹ nuôi khi mất có lập di chúc để lại cho con nuôi hưởng một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình và đồng thời di chúc đó phải hợp pháp theo Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 thì người con nuôi vẫn có thể được hưởng thừa kế theo di chúc dù chưa có đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.

  • Thừa kế theo pháp luật

Điều 653 Bộ luật dân sự 2015 có quy định việc Con nuôi và cha mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo các quy định Điều 651 và Điều 652 ở Bộ luật này.

Cụ thể, việc chia thừa kế theo pháp luật sẽ được quy định theo thứ tự của hàng thừa kế theo Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

...”

Theo đó, con nuôi vẫn thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng những di sản do cha mẹ nuôi để lại. Tuy nhiên, không phải cứ là con nuôi đều có thể áp dụng điều luật này, để được chia thừa kế theo pháp luật quy định thì con nuôi phải hợp pháp và phải đáp ứng theo quy định Điều 22 Luật nuôi con nuôi năm 2010. Nên căn cứ chứng minh con nuôi hợp pháp chính là giấy đăng ký nhận nuôi con nuôi tại cơ quan có thẩm quyền.

Vậy con nuôi hợp pháp cũng được quyền hưởng di sản do cha, mẹ nuôi để lại theo pháp luật, trừ các trường hợp: từ chối nhận di sản (Điều 620 Bộ luật dân sự 2015), người không được quyền hưởng di sản (Điều 621 Bộ luật dân sự 2015). Trường hợp cha, mẹ nuôi chết trước hoặc cùng thời điểm với ông, bà nuôi thì con nuôi hợp pháp sẽ được hưởng thừa kế thế vị theo Điều 625 Bộ luật dân sự 2015.

3. Con nuôi không đăng ký có được hưởng thừa kế không?

Để được coi là con nuôi hợp pháp thì cần phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 3 Khoản 3 Luật nuôi con nuôi 2010. Và khi đó con nuôi hợp pháp mới được hưởng thừa kế theo pháp luật của cha, mẹ nuôi.

Và trường hợp nếu con nuôi không đăng ký mà bố, mẹ nuôi lập di chúc để lại tài sản cho con nuôi và di chúc đó hợp pháp thì con nuôi không có đăng ký vẫn có thể được hưởng quyền thừa kế theo di chúc bố, mẹ nuôi để lại.

 

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn !

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .