Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Có được yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn không?

9:56 SA
Thứ Ba 25/05/2021
 746

Ly hôn là sự kiện pháp lý sẽ dẫn đến những hậu quả pháp lý nhất định đối với quan hệ hôn nhân và gia đình giữa vợ, chồng và con cái. Ly hôn sẽ làm chấm dứt quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản giữa vợ và chồng nhưng quan hệ huyết thống và nuôi dưỡng giữa cha mẹ đối với con vẫn tồn tại.

Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình do vợ chồng thoả thuận. Trong trường hợp vợ chồng không thoả thuận được về người trực tiếp nuôi con thì Toà án quyết định căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Tuy nhiên, khi cần thiết có thể yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho con.

Đối tượng áp dụng quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con

Đối tượng được áp dụng là con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Con chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi, là độ tuổi chưa phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần; chưa có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý như người đã thành niên do vậy cần có người đại diện.

Con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Là trường hợp con đã đủ 18 tuổi nhưng do khiếm khuyết về mặt thể chất hoặc tinh thần mà không có khả năng lao động hoặc đủ 18 tuổi mất năng lực hành vi dân sự. Để đảm bảo quyền và lợi ích của con trong trường hợp này, cha mẹ có nghĩa vụ bắt buộc phải trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc con.

Chủ thể có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Cha, mẹ là người có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con vì cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con. Cha mẹ có thể tự thoả thuận hoặc yêu cầu Toà án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.

Cá nhân khác có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi cha mẹ ly hôn là “Người thân thích”. Người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời.

Cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con bao gồm: Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ khi có căn cứ chứng minh người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền theo quy định của pháp luật khi yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con cần phải chứng minh được người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Điều kiện yêu cầu Toà án quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn

Toà án chỉ giải quyết yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn khi có một trong những căn cứ sau:

Thứ nhất, cha mẹ có thoả thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con trên cơ sở tự do ý chí, tự nguyện thì Toà án sẽ ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các bên.

Thứ hai, khi người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc có những ảnh hưởng, tác động xấu đến sự phát triển của con thì người không trực tiếp nuôi con hoặc chủ thể có quyền khác theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu Toà án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Trong trường hợp này, người yêu cầu Toà án thay đổi người trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ phải chứng minh rằng người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Căn cứ trên yêu cầu và bằng chứng của người có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, Toà án sẽ xem xét quyền lợi mọi mặt của con như điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, tài sản, thu nhập, thời gian dành cho con, thói quen sinh hoạt, tình cảm đối với con, … để quyết định về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải lưu ý trường hợp con dưới 36 tháng tuổi sẽ được ưu tiên giao cho mẹ trực tiếp nuôi trừ khi người cha chứng minh được người mẹ không đáp ứng được các điều kiện về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Đối với con từ đủ 07 tuổi trở lên cần xem xét nguyện vọng của con khi quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con, tuy nhiên đây không phải là yếu tố quyết định phán quyết của Toà án.

Trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không có đủ điều kiện trực tiếp nuôi con như con không còn cha mẹ; hoặc cha mẹ đều bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha mẹ; hoặc cha mẹ không có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con thì Toà án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của pháp luật.

Thủ tục yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

Người có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm:

  • Đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn;
  • Bản án ly hôn;
  • Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (bản sao có chứng thực);
  • Giấy khai sinh của con (bản sao có chứng thực);
  • Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ, người có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con nộp hồ sơ tại Toà án nhân dân cấp quận/huyện nơi bị đơn đang cư trú hoặc làm việc. Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Toà án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án  phí (nộp tạm ứng án phí được thực hiện tại Chi cục thi hành án quận/huyện). Biên lai được nộp lại cho Toà, sau đó Toà án sẽ tiến hành thụ lý, xem xét và giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .