Khi kết hôn cần điều kiện gì? Các quy định pháp luật về điều kiện kết hôn?
Nam nữ muốn kết hôn với nhau phải thể hiện ý chí của mình bằng hành vi pháp lý cụ thể là làm tờ khai đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký kết hôn. Đây là yếu tố quan trọng đầu tiên làm cơ sở để cơ quan đăng ký kết hôn xem xét và đăng ký kết hôn cho họ. Khi việc kết hôn đã được thực hiện, các bên nam nữ phát sinh quan hệ vợ chồng trước pháp luật.
Như vậy, kết hôn là sự kiện pháp lý được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm xác lập quan hệ vợ chồng giữa nam và nữ, khi hai bên nam nữ tuân thủ quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
Căn cứ theo Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật HNGĐ 2014) quy định về điều kiện kết hôn như sau:
“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”
Như vây, khi đăng ký kết hôn, nam nữ nếu đủ điều kiện trên thì cơ quan đăng ký kết hôn xem xét và đăng ký kết hôn cho họ. Trong trường hợp không đủ điều kiện hoặc đã được đăng ký kết hôn nhưng một trong các bên hoặc cả hai bên vi phạm một trong các điều kiện kết hôn thì việc kết hôn đó là trái pháp luật và Tòa án có quyền hủy bỏ việc kết hôn trái pháp luật đó khi có yêu cầu.
1. Điều kiện đầu tiên: Nam, nữ phải đủ tuổi kết hôn
Quy định tuổi kết hôn tối thiểu nhằm đảm bảo sức khỏe của nam nữ, đảm bảo cho nam nữ có đủ khẳ năng về sức khỏe, nhận thức để thực hiện trách nhiệm làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ, đảm bảo cho vợ chồng có thể xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Đồng thời, quy định độ tuổi kết hôn tối thiểu còn bảo đảm cho con cái sinh ra được khỏe mạnh về cả thể lực lẫn trí tuệ, đảm bảo cho con cái được giáo dục toàn diện để trở thành công dân có ích cho xã hội. Bên cạnh đó, quy định nữ từ đủ 18 tuôi trở lên được kết hôn để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người vợ sau khi kết hôn (quyền yêu cầu ly hôn, quyền tự quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân…). Như vậy, quy định tuổi kết hôn tối thiểu là bảo vệ lợi ích của cá nhân, gia đình và xã hội. Trên quan điểm tự do hôn nhân, trong đó có tự do kết hôn, khi đã đến tuổi, nam nữ kết hôn khi nào là tùy theo hoàn cảnh, điều kiện và sở thích của mỗi cá nhân. Pháp luật không quy định tuổi kết hôn tối đa và cũng không quy định sự chênh lệch độ tuổi giữa vợ và chồng.
- Cách tính tuổi: Với quy định về tuổi kết hôn theo pháp luật hiện hành, để tính tuổi kết hôn phải dựa vào cách tính tuổi tròn. Nghĩa là, chỉ coi là đủ tuổi kết hôn khi nam tròn 20 tuổi và nữ phải tròn 18 tuổi. Ví dụ: Nam sinh ngày 25-12-1998 thì đến ngày 25-12-2018 là đủ tuổi kết hôn.
- Trên thực tế, vẫn có những trường họp nam nữ lấy vợ lấy chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Hiện tượng này được gọi là tảo hôn. Như vậy càn phải hiểu rằng tảo hôn không chỉ là việc nam nữ kết hôn trước tuổi luật định mà còn bao gồm cả trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng trước tuổi luật định. Theo điểm b khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 số 52/2014/QH13, “tảo hôn” được xác định là một trong các hành vi bị cấm. Vì vậy, kết hôn trước tuổi luật định sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Sự tự nguyện của hai bên kết hôn
Điều này phải thể hiện rõ đó là họ mong muồn được gắn bó với nhau, cùng nhau chung sống nhằm thỏa mãn nhu cầu tình cảm giữa hai người. Hai bên nam nữ tự mình quyết định việc kết hôn, không chịu bất kỳ sự thúc ép hoặc áp lực nào. Mỗi bên nam nữ không bị tác động bởi bên kia hay của bất kỳ người nào khiến họ phải kết hôn trái với ý muốn của họ. Để đảm bảo sự tự nguyện của hai bên kết hôn, Luật HNGĐ 2014 quy định: Cấm “Cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn” (điểm b khoản 2 Điều 5).
Pháp luật đòi hỏi việc kết hôn do chính người kết hôn quyết định trên cơ sở sự mong muốn kết hôn của họ. Do vậy, pháp luật không cho phép cử người đại diện trong việc kết hôn. Đối với người bị tâm thần hoặc một bệnh nào khác dẫn đến không có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình thì do không xác định được sự tự nguyện của họ nên không thể kết hôn. Đối với người “mất năng lực hành vi dân sự” thì không đủ điều kiện kết hôn.
Như vậy, sự tự nguyện của các bên trong việc kết hôn là một trong những điều kiện kết hôn và là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng hôn nhân hạnh phúc và đảm bảo cho hôn nhân có thể tồn tại lâu dài và bền vững.
3. Người kết hôn phải là người không bị mất năng lực hành vi dân sự
Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người mất năng lực hành vi dân sự là “người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định,….”
Quy định này xuất phát từ việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng và của con cái, của các thành viên khác trong gia đình. Sau khi kết hôn nam, nữ phải thực hiện nghĩa vụ của họ đối với vợ, với chồng, phải thực hiện nghĩa vụ đối với các con. Những người đang bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì cũng không thể nhận thức và thực hiện được trách nhiệm làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ. Nếu họ kết hôn sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của vợ hoặc chồng và con cái họ. Hơn nữa, một trong những điều kiện kết hôn quan trọng khác để đảm bảo cho hôn nhân có giá trị pháp lý là phải có sự tự nguyện của các bên nam nữ. Những người đang bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì không thể hiện được ý chí, đồng thời cơ quan đăng ký kết hôn cũng không thể đánh giá đước sự tự nguyện của họ. Vì vậy, họ không thể kết hôn.
4. Việc kết hôn không thuộc trường hợp cấm kết hôn
Căn cứ theo điểm d khoản 1 Điều 8 Luật HNGĐ 2014 quy định những trường hợp cấm kết hôn như sau:
+ Cấm kết hôn giả tạo
+ Cấm kết hôn đối với người đang có vợ, có chồng hoặc cấm người chưa có chồng, có vợ kết hôn với người đang có vợ, có chồng
+ Cấm kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời
+ Cấm kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng
Để hiểu rõ hơn các trường hợp này mời quý vị tham khảo thêm: Phân tích các trường hợp cấm kết hôn
5. Hai người kết hôn phải không cùng giới tính
Hôn nhân là sự liên kết giữa một người nam và một người nữ nhằm xây dựng gia đình. Gia đình phải thực hiện các chức năng xã hội, một trong những chức năng đó là chức năng sinh sản nhằm duy trì nòi giống. Nếu hai người cùng giới tính kết hôn với nhau thì trái với quy luật tự nhiên và quy luật xã hội. Do vậy, nhà nước không cấm những người cùng giới tính khi kết hôn với nhau nhưng cũng không thừa nhận hôn nhân giữa những người đồng giới Do vậy, khi hai người cùng giới tính yêu cầu đăng ký kết hôn thì cơ quan đăng ký kết hôn từ chối đăng ký. Trong trường hợp hai người cùng giới tính chung sống với nhau mà sau đó chấm dứt việc chung sống, nếu có tranh chấp về tài sản thì giải quyết như đối với trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng.
Công ty Luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến vấn đề hôn nhân nói chung và đăng ký kết hôn nói riêng của Quý khách hàng.
Trân trọng Kính chào!