Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

LÀM GÌ KHI CHỒNG LẬP DI CHÚC ĐỂ LẠI TOÀN BỘ TÀI SẢN CHO “BỒ”?

16:55 CH
Thứ Bảy 18/02/2023
 2063

Trên thực tế hiện nay có rất nhiều trường hợp người chồng bỏ gia đình đi theo “bồ”. Đáng trách hơn, nhiều trường hợp người chồng tuyên bố sẽ viết di chúc để lại toàn bộ tài sản cho “bồ nhí”. Vậy khi người chồng chết, người vợ hợp pháp sẽ không nhận được gì hay sao? Điều này sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

Người lập di chúc có quyền quyết định đến toàn bộ nội dung di chúc. Theo quy định tại Điều 626 Bộ Luật Dân sự 2015 thì người lập di chúc có quyền sau: Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Theo đó, việc chỉ định người thừa kế và truất quyền hưởng di sản của người thừa kế là quyền của người lập di chúc. Do đó người lập di chúc có quyền cho vợ hưởng hoặc không được hưởng di sản của mình.

            Tuy nhiên, pháp luật đã cân nhắc trước được những trường hợp tương tự như này nên đã có những quy định để bảo vệ quyền lợi của người có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân hợp pháp với người để lại di sản như sau:

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

“Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.”

Theo đó, người không có tên trong di chúc vẫn được hưởng phần di sản bằng 2 phần 3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu người đó thuộc một trong hai trường hợp:

+ Trường hợp 1: Là con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng của người để lại di sản

+ Trường hợp 2: Là con thành niên mà không có khả năng lao động.

Ví dụ: Vợ chồng ông A, bà B có tài sản chung là nhà và đất trị giá 3 tỷ đồng. Vợ chồng ông, bà có duy nhất một người con là D (đã thành niên, không mất năng lực hành vi dân sự), cha mẹ ông A đã chết. Tuy nhiên, ông A có quan hệ ngoài luồng với chị C và trước khi chết đã viết di chúc để lại toàn bộ tài sản cho chị C.

Mặc dù không có tên trong di chúc nhưng bà B vẫn được hưởng vì là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định tại Điều 644 BLDS 2015. Phần di sản bà B được hưởng như sau:

-– Di sản thừa kế của ông A là 1,5 tỷ (vì nhà đất là tài sản chung nên chia đôi).

– Nếu chia thừa kế theo pháp luật thì người thừa kế của ông A là bà B và con trai, mỗi suất thừa kế là 750 triệu đồng.

Căn cứ khoản 1 Điều 644 BLDS 2015 thì bà B được hưởng di sản bằng 2/3 suất thừa kế.

Do vậy, dù ông A không cho bà B hưởng di sản theo di chúc nhưng bà B vẫn được hưởng phần di sản thừa kế nhà đất với trị giá là 500 triệu đồng.

Lưu ý: quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 BLDS 2015 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 BLDS 2015.

Trên đây là nội dung Luật Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về nội dung người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Nếu có vấn đề nào còn thắc mắc hoặc cần được hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.653.636 – 0986.864.314 để được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .