Hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật đối với hành vi làm giả, làm nhái nhãn hiệu
Câu hỏi: Công ty TNHH A đã được cấp văn bằng bảo hộ với nhãn hiệu với tên gọi Jujibear, nhưng bị đối thủ cạnh tranh đưa ra tên gọi khác dễ gây nhầm lẫn như Juijbear, Juijibear…Vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi trên bị xử lý như thế nào, thưa luật sư?
Thực trạng vi phạm nhãn hiệu hàng hóa, hàng giả, hàng nhái kém chất lượng hiện nay là một vấn nạn xã hội chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí đang ngày một gia tăng. Việc bảo vệ thương hiệu, đấu tranh với những vụ việc vi phạm nhãn hiệu, hàng giả, hàng nhái, không chỉ vì sự sống còn mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp với người tiêu dùng; khi nhãn hiệu bị xâm phạm làm giả làm nhái đa phần các doanh nghiệp vẫn còn loay hoay trong việc bảo vệ thương hiệu của mình, xin khái quát biện pháp để xử lý và bảo hộ nhãn hiệu khi bị xâm phạm làm giả, làm nhái.
Theo thông tin mà bạn cung cấp thì nhãn hiệu của Công ty TNHH A đã được cấp văn bằng bảo hộ. Do đó, nhãn hiệu này được bảo hộ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Bất kì doanh nghiệp nào sử dụng nhãn hiệu Juijbear, Juijibear có dấu hiệu gây nhầm lẫn, tương tự với nhãn hiệu Jujibear của Công ty TNHH A. Để xác định nhãn hiệu Juijbear, Juijibear có được xem là nhãn hiệu gây nhầm lẫn, tương tự với nhãn hiệu Jujibear, chúng ta cần phải so sánh về mặt cấu trúc, nội dung, cách phát âm của hai nhãn hiệu này.
+ Cấu trúc: Nhãn hiệu Juijbear, Juijibear trùng với nhãn hiệu Jujibear 6/8 chứ cái, hai nhãn hiệu đều có 3 âm tiết.
+ Nội dung: Juijbear, Juijibear và Jujibear cũng có sự tương tự về nội dung.
+ Ý nghĩa ,hình thức thể hiện: Mẫu mã bao bì mà Công ty TNHH A sử dụng màu lon màu vàng, và những doanh nghiệp khác cũng sử dụng mẫu mã lon giống như thế. Như vậy, về hình thức thể hiện hai nhãn hiệu này có giống nhau.
Như vậy, nhãn hiệu mà doanh nghiệp khác sử dụng có dấu hiệu tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu mà Công ty TNHH A đang sử dụng. Hơn nữa, hai doanh nghiêp này sử dụng hai nhãn hiệu cùng kinh doanh nước giải khát. Do đó, những doanh nghiệp đã có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung 2009, 2019:
“Điều 129. Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý
c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;”
Biện pháp hành chính
Điểm b,c Khoản 1 Điều 211 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019 quy định các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới việc sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu bị xử lý biện pháp hành chính theo Điều 214 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019 gồm các biện pháp sau:
- Cảnh cáo.
- Phạt tiền.
Ngoài ra, tùy theo tính chất và mức độ xâm phạm thì có thể áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung sau đây:
- Tịch thu hàng hóa giả mạo, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo.
- Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm.
Ngoài các biện pháp xử phạt ra thì còn có thể áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
- Buộc tiêu hủy hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại
- Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam
Biện pháp dân sự
Trong trường hợp có hành vi xâm phạm về quyền đối với nhãn hiệu thì chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm theo quy định tại Điều 202 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019 sau đây:
- Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.
- Buộc xin lỗi, cải chính công khai.
- Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự.
- Buộc bồi thường thiệt hại.
- Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại.
Xử lý hình sự
Ngoài ra, tùy vào mức độ vi phạm, doanh nghiệp có dấu hiệu tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của Công ty TNHH A đang sử dụng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 226 Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Công ty Luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến lĩnh Sở hữu trí tuệ nói chung cũng như giải quyết hành vi làm giả, làm nhái nhãn hiệu của Quý khách hàng, để tư vấn cho Quý khách hàng có những phương hướng tối ưu và hiệu quả. Trân trọng!