NHÃN HIỆU TƯƠNG TỰ CÓ KHẢ NĂNG ĐƯỢC BẢO HỘ KHÔNG?
Công ty nhà em là chủ sở hữu nhãn hiệu “MISCO” đăng ký cho sản phẩm bìa carton từ năm 2008. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đang có hiệu lực tại Việt Nam. Tháng 10 năm 2010, Công ty đối thủ nộp đơn đăng kí bảo hộ dấu hiệu “MISSKKO” làm nhãn hiệu cho sản phẩm bìa carton do Công ty này sản xuất? Luật sư tư vấn cho em trong tình huống trên, công ty đối thủ có khả năng được cấp văn bằng bảo hộ không?
Công ty Luật TNHH Sao Sáng xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời như sau:
Công ty đối thủ- tạm gọi là công ty B sẽ không đáp ứng được điều kiện bảo hộ theo khoản 2 Điều 74 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 (sau đây gọi là LSHTT 2019). Bởi lẽ:
Thứ nhất, về phạm vi quyền được hưởng của công ty gia đình bạn ( sau đây gọi tắt là công ty A) đối tượng được bảo hộ
Nhãn hiệu MISCO - là dấu hiệu để phân biệt hàng hóa dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Dấu hiệu này đã được bảo hộ và thỏa mãn điều kiện: dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, có khả năng phân biệt (khoản 1 Điều 74, khoản 2 Điều 72) dễ ghi nhớ, không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 73, khoản 1 Điều 78.
Về căn cứ xác lập quyền với nhãn hiệu MISCO: công ty A có giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định pháp luật (điểm a khoản 3 Điều 6 Luật này) với mẫu nhãn hiệu là hình chữ, loại nhãn hiệu thông thường.
Về chủ sở hữu: Theo quy định tại khoản 1 Điều 121 Luật SHTT thì chủ sở hữu nhãn hiệu là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, vì vậy chủ sở hữu của nhãn hiệu sản phẩm bìa carton MISCO thuộc công ty A và có các quyền theo khoản 1 Điều 123 luật này. Cụ thể, có quyền sử dung, cho phép người khác sử dụng, ngăn cấm người khác sử dụng, định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp.
Về thời hạn bảo hộ: Công ty A là chủ sở hữu nhãn hiệu “MISCO” đăng ký cho sản phẩm bìa carton từ năm 2008 và đươc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Căn cứ theo quy định khoản 6 Điều 93 luật này thì “giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn liên tiếp mỗi lần mười năm”. Do đó thời điểm 2010 thì nhãn hiệu trên đang được bảo hộ và có hiệu lực tại Việt Nam.
Thứ hai, dấu hiệu công ty B không đáp ứng điều kiện bảo hộ
Về dấu hiệu: Công ty B sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu của công ty A (trùng 4/7 kí tự , trật tự sắp xếp các kí tự giống nhau). Ngoài ra, nếu 2 dấu hiệu “MISCO” và “MISSKKO” không có nghĩa khi dịch sang Tiếng Việt, vì vậy dấu hiệu này không có khả năng phân biệt.
Về cách phát âm: đều phát âm đều là Tiếng anh CO/KO người Việt Nam có thói quen phát âm C và K đều đọc giống nhau gây ấn tượng mạnh về mối liên hệ.
Về hàng hóa và dịch vụ: đây là hàng hóa trùng nhau có cùng bản chất (thành phần, cấu tạo...) và cùng chức năng, mục đích sử dụng theo điểm a khoản 9 Điều 39 Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BKHCN, dễ bị người tiêu dùng liên tưởng nhầm lẫn về nguồn gốc. Vì vậy, không đáp ứng điều kiện bảo hộ điểm e khoản 2 Điều 74, khoản 2 Điều 72.
Về cách trình bày: giả sử chỉ dựa vào dữ kiện tinh huống trên, cả 2 dấu hiệu “MISCO” và “MISSKKO” đều được trình bày dưới dạng chữ in hoa và không đi kèm hình vẽ hình ảnh khác.
Về kênh phân phối sản phẩm: cả hai sản phẩm đều được phân phối tại các cửa hàng, đại lý bao bìn in ấn, vận chuyển,... Do đó khách hàng dễ nhầm lẫn về nguồn gốc sản phẩm.
Từ những phân tích trên, có thể khẳng định một lần nữa dấu hiệu “MISSKKO” tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “MISCO” của công ty A đã đăng ký cho sản phẩm bìa carton. Do đó, trong tình huống trên, Công ty B không có khả năng được cấp văn bằng bảo hộ.
Trên thực tế, vẫn có khả năng Công ty B có thể vẫn được cấp văn bẳng bảo hộ. Đó là khi dấu hiệu “MISSKKO” đã được sử dụng rộng rãi từ trước đó, là nhãn hiệu nổi tiếng, có cách trình bày khác với nhãn hiệu “MISCO” hoặc dấu hiệu này là sự kết hợp của các chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh.
Trên đây là nội dung vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng.
Trân trọng cảm ơn!