Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Giao kết hợp đồng thương mại thông qua Internet – xu hướng và hội nhập

22:47 CH
Thứ Ba 29/06/2021
 1973

Với bối cảnh kinh tế hội nhập kinh tế quốc tế, Việt nam cũng đã và đang nhận thức được tầm quan trọng của internet trong hoạt động thương mại và các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, môi trường giao dịch chưa được kiểm soát chặt chẽ cũng sẽ đem lại nhiều rủi ro cho doanh nghiệp và khách hàng. Hoạt động giao kết hợp đồng thương mại qua internet luôn phát triển đa dạng cùng với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ. Do đó, phát sinh nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong giao dịch.

Giao kết hợp đồng thương mại thông qua Internet là gì?

Nghiên cứu về mặt bản chất của giao kết hợp đồng thương mại là sự thoả thuận, thông nhất ý chí nhằm hướng tới những lợi ích nhất định và đặc thù của hợpd dồng điện tử. Có thể hiểu, giao kết hợp đồng thương mại thông qua internet là việc các bên bày tỏ ý chí với nhau theo các nguyên tắc và trình tự nhất định để qua đó xác lập với nhau các quyền, nghĩa vụ liên quan đến hoạt động thương mại, bằng cách trao đổi các thông điệp, dữ liệu thông qua phương tiện điện tử có kết nối internet.

Lợi ích của việc giao kết hợp đồng thương mại thông qua Internet

Từ những lợi thế vượt trội của internet, hiện nay các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức sử dụng nó như một phương tiện quan trọng trong việc mua bán hàng hoá, phát triển hoạt động kinh doanh. Hàng loạt những ứng dụng hoạt động thương mại trên nền tảng internet được ra đời như: Shoppe, Lazada, Now,…

♦ Tiết kiệm chi phí giao dịch

Đối với các doanh nghiệp, tiết kiệm được một lượng lớn liên quan đến hành chính văn phòng, lưu dữ liệu, tiếp thị marketing, chi phí giao dịch,… Thông qua giao dịch trên internet việc lưu trữ, bảo quản thông tin dữ liệu điện tử, hợp đồng điện tử sẽ trở nên đơn giản, gọn nhẹ, tiện lợi hơn. Hơn nữa, tiết kiệm chi phí tiếp thị bán hàng, bởi khách hàng có thể tìm hiểu thông tin sản phẩm trên internet qua ứng dụng mua hàng trực tuyến hoặc trên website của doanh nghiệp. Với internet, doanh nghiệp có thể tiếp cận đến lượng khách hàng ở bất cứ đâu, trong lãnh thổ Việt Nam hoặc trên thế giới, khách hàng chỉ cần vài thao tác cơ bản là có thể mua được sản phẩm. Khi đó, góp phần làm cho giá thành sản phẩm giảm, điều này vô cùng có lợi cho người tiêu dùng.

♦ Giúp đẩy nhanh tiến độ “số hoá” đối với việc mua bán một số sản phẩm và dịch vụ

Toàn bộ quá tình giao kết hợp đồng, thanh toán hoặc cung ứng hàng hoá, dịch vụ đều được thực hiện thông qua các thông điệp dữ liệu đã được số hoá. Các giao dịch này thường được các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn xuyên quốc gia sử dụng để giao kết hợp đồng áp dụng hoàn toàn chương trình máy tính tự động.

♦ Thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế

Trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp cùng lúc và trong thời gian ngắn có thể tiếp cận, giao dịch, trao đổi thông tin với nhiều đối tác. Các doanh nghiệp có thể liên lạc với các đối tác của mình một cách nhanh chóng. Xoá bỏ khoảng cách địa lý giúp cho các doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa cơ hội kinh doanh trong phạm vi nội địa và cả môi trường kinh doanh quốc tế.

Rủi ro của việc giao kết hợp đồng thương mại thông qua Internet

Rủi ro của việc giao kết hợp đồng thương mại thông qua Internet có thể xảy ra trong hoặc sau quá trình giao kết hợp đồng, nó có thể là tác động, ảnh hưởng xấu đến lợi ích hay gây thiệt hại về vật chất cho các bên tham gia giao kết.

♦ Rủi ro trong việc kiểm chứng thông tin, tài liệu

Khó khăn, cản trở cho các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng điều tra năng lực của đối tác. Nếu doanh nghiệp không cảnh giác thì rất có khả năng cả những thông tin liên quan đến hợp đồng cũng bị thay đổi hay giả mạo và như vậy các chủ thể giao kết có thể sẽ phải gánh chịu thiệt hại vật chất từ những rủi ro này.

Việc nhà cung cấp hàng hoá, dịch vụ không cung cấp đầy đủ thông tin đã đẩy người tiêu dùng đi vào “thế yếu”. Trong giai đoạn giao kết hợp đồng, khách hàng chỉ quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp giới thiệu chứ không trú trọng đến việc tìm hiểu thông tin, hoạt động của họ. Khác với giao kết hợp đồng truyền thống, khách hàng có quyền và có thời gian để kiểm tra, xác minh thông tin sản phẩm trước khi ký kết hợp đồng, khi giao kết hợp đồng qua internet quá trình diễn ra nhanh chóng, dẫn đến việc mua hàng thiếu cân nhắc.

♦ Rủi ro liên quan đến vấn đề chữ ký điện tử

Hai vấn đề mà doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng thường quan tâm là: (i) Làm thế nào để xác minh danh tính cũng như ràng buộc trách nhiệm của đối tác khi toàn bộ một giao dịch được bắt đầu và tiến hành trên môi trường điện tử, (ii) những chứng từ trao đổi phải đáp ứng điều kiện gì để có đủ giá trị pháp lý làm căn cứ dẫn chiếu và giải quyết khi phát sinh tranh chấp. Có thể thấy, chữ ký tay hay chữ ký điện tử đều có thể làm giả. Do đó, rất nguy hiểm nếu có một đối tượng xấu xử dụng chữ ký điện tử giả để ký các hợp đồng khác nhân danh doanh nghiệp có chữ ký.

♦ Rủi ro về mặt pháp lý

Hệ thống pháp luật về hợp đồng điện tử chưa đầy đủ. Các quy định hướng dẫn giao kết hợp đồng qua internet chưa rõ ràng, cụ thể. Ví dụ như các giao dịch với người nước ngoài, hợp đồng giao dịch đó chưa chắc đã được điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam nên chưa thể đảm bảo hợp đồng đã giao kết sẽ có tính ràng buộc về mặt pháp lý với các chủ thể khi có sự khác nhau giữa các hệ thống pháp luật, giữa các quốc gia mà các bên tham gia giao kết mang quốc tịch. Chẳng hạn như, Việt Nam và Nhật Bản chưa có một công ước chung nào về giao dịch thương mại điện tử có hiệu lực nên có thể sẽ gây trở ngại trong việc giải quyết tranh chấp khi hợp đồng bị vi phạm.

♦ Bảo vệ rủi ro về bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng

Các chủ thể tham gia giao dịch cần phải trao đổi thông tin cá nhân cho nhau như tên, địa chỉ liên lạc, số điện thoại, email, số tài khoản,… khách hàng có thể đối mặt với nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân. Kẻ gian sẽ lợi dụng, sử dụng bất hợp pháp để phục vụ cho mục đích quảng cáo sản phẩm của họ hoặc bản thông tin này cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Mặc dù đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định như: Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định về thương mại điện tử, Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Tuy nhiên tình trạng thu thập, phát tán thông tin cá nhân diễn ra phổ biến, điều này làm suy giảm lòng tin của người tiêu dùng với thương mại điện tử.

♦ Rủi ro về chất lượng sản phẩm giao dịch qua internet

Theo báo cáo của Cục TMĐT và CNTT nói rằng có đến hơn 70% người được khảo sát quan ngại về sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo. Mặc dù các thương nhân cũng đã cung cấp thông tin, hình ảnh của sản phẩm của mình sao cho ấn tượng trong mắt khách hàng, đa số hình arnh đều được chỉnh sửa so với thực tế, còn về chất lượng khó có thể đánh giá được nếu không “sờ tận tay, thấy tận mắt”. Từ những lợi nhuận khổng lồ mà việc kinh doanh qua internet mang lại, rất nhiều cá nhân, tổ chức sử dụng “chiêu trò” để thu hút khách hàng, bất chấp ảnh hưởng, rủi ro xảy ra.

Để phát triển hoạt động giao kết hợp đồng thương mại thông qua internet, điều quan tọng là vừa phải xây dựng khung pháp lý đầy đủ, vừa phải nâng cao nhận thức của chủ thể tham gia giao kết hợp đồng. Bên cạnh việc cần xây dựng các quy định mới mang tính dự liệu, bắt kịp với xu hướng phát triển nhanh chóng và phức tạp với thị trường thương mại công nghệ số, cần tiếp tục duy trì quy định pháp luật hiện có và đảm bảo tương thích với pháp luật quốc tế.

Cần làm gì để bảo đảm toàn khi giao kết hợp đồng thương mại qua internet?

♦ Sử dụng chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử

Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Giao dịch điện tử: “Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký. Pháp luật hiện hành cũng quy định các điều kiện đảm bảo an toàn cho một chữ ký điện tử, cụ thể tại Điều 22 Luật Giao dịch điện tử, Chữ ký điện tử được xem là bảo đảm an toàn nếu được kiểm chứng bằng một quy trình kiểm tra an toàn do các bên giao dịch thỏa thuận và đáp ứng được các điều kiện sau đây:

- Dữ liệu tạo chữ ký điện tử chỉ gắn duy nhất với người ký trong bối cảnh dữ liệu đó được sử dụng;

- Dữ liệu tạo chữ ký điện tử chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký;

- Mọi thay đổi đối với chữ ký điện tử sau thời điểm ký đều có thể bị phát hiện;

- Mọi thay đổi đối với nội dung của thông điệp dữ liệu sau thời điểm ký đều có thể bị phát hiện.

Bên cạnh đó, giá trị pháp lý cũng như an toàn của một chữ ký điện tử đến đâu phụ thuộc vào quy định của pháp luật cũng như công nghệ khởi tạo, truyền nhận chữ ký điện tử trong từng trường hợp. Chữ ký điện tử cũng gồm nhiều loại với mức độ tin cậy khác nhau như chữ ký điện tử được chứng thực bởi tổ chức không có đăng ký và chữ ký điện tử được chứng thực bởi tổ chức có đăng ký. Trong số các chữ ký điện tử được liệt kê tại khoản 1 Điều 21 Luật GDĐT 2005 thì chữ ký số là loại chữ ký điện tử được sử dụng rộng rãi và an toàn nhất thế giới hiện nay.

Có thể thấy, chữ ký số và hoạt động chứng thực chữ ký số là công nghệ phổ biến hiện nay, có khả năng tránh khỏi những hành vi bất hợp pháp như xem trộm, giả mạo hay mạo danh,… và đảm bảo sự tin cậy giữa các bên.

♦ Thủ tục thông báo, đăng ký hoạt động thương mại điện tử và Công khai thông tin trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử

(i)Thủ tục thông báo, đăng ký hoạt động thương mại điện tử

Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử đã quy định chi tiết vấn đề đảm bảo an toàn giao dịch trong từng lĩnh vực cụ thể. Trong hoạt động bán hàng trên website thương mại điện tử, nghị định yêu cầu các bên sở hữu website phải thông báo với Bộ Công thương về việc thiết lập và thực hiện cung cấp thông tin đầy đủ trên website cũng như nghĩa vụ bảo vệ thông tin cá nhân khách hàng (Điều 27 Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Về hoạt động trên sàn Giao dịch điện tử, Điều 36 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT phải có trách nhiệm sau:

- Đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định tại Mục 2 Chương IV Nghị định này và công bố các thông tin đã đăng ký trên trang chủ website.

- Xây dựng và công bố công khai trên website quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định tại Điều 38 Nghị định này; theo dõi và bảo đảm việc thực hiện quy chế đó trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

- Yêu cầu thương nhân, tổ chức, cá nhân là người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 29 Nghị định này khi đăng ký sử dụng dịch vụ.

- Có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử được thực hiện chính xác, đầy đủ.

- Lưu trữ thông tin đăng ký của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử và thường xuyên cập nhật những thông tin thay đổi, bổ sung có liên quan.

- Thiết lập cơ chế cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện được quy trình giao kết hợp đồng theo quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này nếu website có chức năng đặt hàng trực tuyến.

- Áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân và thông tin cá nhân của người tiêu dùng.

- Có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

- Hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật, cung cấp thông tin đăng ký, lịch sử giao dịch và các tài liệu khác về đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

- Công bố công khai cơ chế giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Khi khách hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử phát sinh mâu thuẫn với người bán hoặc bị tổn hại lợi ích hợp pháp, phải cung cấp cho khách hàng thông tin về người bán, tích cực hỗ trợ khách hàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

(ii) Công khai thông tin trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử

Công khai thông tin trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công thương lần đầu tiên được đề cập tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử. Tại Điều 41 có quy định yêu cầu website thương mại điện tử bán hàng bắt buộc phải thực hiện công khai thông tin đăng ký. Đặc biệt với việc công bố các website thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm, khoản 2 Điều 67 Nghị định 52 quy định: “Bộ Công Thương quy định chi tiết về cơ chế tiếp nhận, công bố thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân về các website thương mại điện tử quy định tại Khoản 1 Điều này”. Tại khoản 4 Điều 31 Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định việc công bố thông tin phản ánh đối với một website thương mại điện tử trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử được thực hiện các bước như sau:

Bước 1: Website thương mại điện tử có trên 5 (năm) ý kiến phản ánh từ các tổ chức, cá nhân khác nhau về một hoặc nhiều hành vi nêu tại Khoản 1 Điều này sẽ nhận được thông báo của Bộ Công Thương yêu cầu giải trình về những ý kiến phản ánh nói trên.

Bước 2: Sau thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải trình của Bộ Công Thương, nếu thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử không phản hồi hoặc không giải trình được về các ý kiến phản ánh, thì website đó sẽ bị đưa vào danh sách website thương mại điện tử bị phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật

Công ty luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến tất cả lĩnh vực để tư vấn cho Quý khách hàng những phương án tối ưu và hiệu quả. Trân trọng!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .