Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Các trường hợp miễn trách nhiệm với hành vi vi phạm hợp đồng trong thương mại

0:37 SA
Thứ Tư 23/06/2021
 6803

Thực tế, trong quan hệ hợp đồng có rất nhiều sự cố nằm ngoài khả năng kiểm soát của các bên ký hợp đồng, khiến cho một hoặc các bên không thể thực hiện được nghĩa vụ của mình dẫn đến việc vi phạm hợp đồng. Pháp luật Thương mại cũng đã dự liệu trước trường hợp được miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại 2005. Do đó khi giao kết hợp đồng các bên cần nắm rõ những quy định về các trường hợp được miễn trách nhiệm để thỏa thuận điều khoản miễn trách nhiệm một cách chặt chẽ và phù hợp với quy định của pháp luật.

Vi phạm hợp đồng trong thương mại là gì?

Theo quy định của pháp luật thương mại Việt Nam tại Khoản 12 Điều 3 Luật thương mại 2005 quy định: “Vi phạm hợp đồng là một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của luật này". Và theo khoản 13 Điều 3 LTM 2005 quy định: Vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”. Hành vi vi phạm hợp đồng là căn cứ pháp lý để áp dụng đối với tất cả các hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng. Hành vi vi phạm hợp đồng là xử sự của các chủ thể hợp đồng không phù hợp với các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng. Trong thực tiễn để xác định việc có hay không một hành vi vi phạm hợp đồng thương mại phải chứng minh được hai vấn đề. Đó là, quan hệ hợp đồng hợp pháp giữa các bên và có hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng.

Miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng trong thương mại

Miễn trách nhiệm là việc giải phóng cho bên vi phạm khỏi các trách nhiệm pháp lý mà đáng lẽ họ phải gánh chịu do hành vi vi phạm hợp đồng của mình. Bên vi phạm được miễn trách nhiệm nếu chứng minh được là mình không có lỗi, bằng cách chỉ ra những hoàn cảnh khách quan khiến cho mình không thể thực hiện hợp đồng hoặc không thể thực hiện đúng hợp đồng. Những hoàn cảnh như vậy được pháp luật quy định, hoặc do các bên đã thỏa thuận trước với nhau hoặc việc vi phạm hoàn toàn do lỗi của bên bị vi phạm.

Điều 294 Luật Thương mại 2005 quy định bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau:

“a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;

b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng."

Về bản chất, các trường hợp miễn trách nhiệm hợp đồng là những trường hợp loại trừ yếu tố lỗi của bên vi phạm. Cơ sở để miễn trách nhiệm cho bên vi phạm hợp đồng chính là ở chỗ họ không có lỗi khi không thực hiện, thực hiện không đúng hợp đồng. Nếu bên vi phạm hợp đồng có khả năng lựa chọn xử sự nào khác ngoài xử sự gây thiệt hại mà không lựa chọn thì bị coi là có lỗi và ngược lại, nếu không có khả năng lựa chọn xử sự nào khác thì được coi là không có lỗi và không phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình.

Mặt khác, theo Khoản 2 Điều 294 Luật thương mại 2005 quy định: Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm”. Ngoài ra, khi sảy ra tình trạng miễn trách nhiệm hợp đồng, bên vi phạm hợp đồng còn phải thông báo ngay (bằng văn bản) cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm và hậu quả có thể sảy ra. Nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại.

Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng trong thương mại

1. Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận

Các bên có thể thỏa thuận trước trong hợp đồng về các trường hợp về bên vi phạm được miễn trách nhiệm. Các trường hợp đó có thể không được pháp luật quy định mà hoàn toàn theo sự thỏa thuận giữa các bên. Chính vì thế, yếu tố tự nguyện khi giao kết hợp đồng là rất quan trọng, vì nếu chứng minh được là điều khoản được miễn hợp đồng được giao kết do nhầm lẫn, lừa dối hoặc đe dọa thì điều khoản miễn trách nhiệm sẽ bị vô hiệu.

2. Xảy ra sự kiện bất khả kháng

Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 294 Luật thương mại 2005, bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng. Điều này có nghĩa là hợp đồng có quy định hay không thì khi xảy ra sự kiện bất khả kháng dẫn tới việc vi phạm hợp đồng thì bên vi phạm vẫn được miễn trách nhiệm.

Tuy nhiên, quy định trên lại chỉ nghi nhận sự kiện bất khả kháng là căn cứ miễn trách nhiệm mà không quy định cụ thể thế nào là sự kiện bất khả kháng và điều kiện áp dụng. Xét theo mối quan hệ giữa luật chung và luật riêng, trong đó luật thương mại là luật riêng trong lĩnh vực thương mại, còn Bộ luật dân sự là luật chung, có thể dẫn chiếu quy định của Bộ luật dân sự về sự kiện bất khả kháng để áp dụng trong lĩnh vực thương mại. Theo Khoản 1 Điều 156 BLDS 2015 quy định: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Theo thông lệ chung, sự kiện bất khả kháng (force majeure) thường được hiểu có thể là những hiện tượng do thiên nhiên gây ra (thiên tai) như lũ lụt, hỏa hoạn, bão, động đất, sóng thần… hoặc các hiện tượng xã hội như chiến tranh, bạo loạn, đảo chính, đình công, cấm vận, thay đổi chính sách của chính phủ… Tất nhiên việc chứng minh có tồn tại sự kiện bất khả kháng thuộc về nghĩa vụ của bên vi phạm hợp đồng, nhưng việc bên đó được hay không được miễn trừ lại phụ thuộc vào bên bị vi phạm hoặc cơ quan chức năng có chấp nhận nó là sự kiện bất khả kháng hay không.

3. Hành vi vi phạm hoàn toàn do lỗi của bên kia

Lỗi được coi là một trong những yếu tố để xác định trách nhiệm dân sự. Lỗi này có thể là hành động hoặc không hành động của bên vi phạm. Tuy nhiên, sự vi phạm của 1 bên có nguyên nhân từ lỗi của phía bên kia, ví dụ: bên vi phạm đã làm theo những chỉ dẫn không rõ ràng của bên bị vi phạm dẫn đến thiệt hại. Trong trường hợp này, bên vi phạm đã loại trừ lỗi cấu thành nên hành vi vi phạm, bên vi phạm sẽ chịu những rủi ro về thiệt hại này.

Tuy nhiên, khi áp dụng căn cứ này việc vi phạm hợp đồng của một bên chỉ được coi là căn cứ miễn trách nhiệm cho bên kia (cũng có hành vi vi phạm) khi việc vi phạm này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi vi phạm. Căn cứ để không thì chưa đầy đủ. Cần xác định lỗi của bên kia trong trường hợp này phải là nguyên nhân trực tiếp và là tiền đề của việc không thực hiện nghĩa vụ.

4. Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

Quyết định của cơ quan nhà nước phải làm phát sinh nghĩa vụ của bên vi phạm, tức là phải thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi nhất định nào đó dẫn tới hành vi vi phạm hợp đồng. Rõ ràng các bên không lường trước được những vi phạm và thiệt hại khi có một quyết định của Nhà nước xen vào.

Ví dụ: Ngày 6/12/2018, Công ty An Nhiên (Bên A) ký hợp đồng mua bán của công ty khai khác và mua bán khoáng sản Thiên Phú (Bên B) 5 tấn quặng. Hai bên thỏa thuận ngày 5/1/2019 sẽ giao hàng. Tuy nhiên, ngày 1/1/2019 Thủ tướng Chính phủ có quyết định khai thác và mua bán quặng trong cả nước. Do đó đến ngày 5/1/2019 bên B không thể giao hàng được cho bên A. Ở ví dụ này có thể thấy hợp đồng không thực hiện được là do có quyết định của người có thẩm quyền nên hai bên không thể thực hiện được. Nên bên A không thể buộc bên B tiếp tục

Tuy nhiên, đối với trường hợp này pháp luật nên có hướng dẫn cụ thể về quyết định nào của cơ quan quản lý nhà nước và quyết định này được đưa ra với mục đích gì thì sẽ trở thành căn cứ cho việc nhiễm trách nhiệm? Hay tất cả quyết định của mọi cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ đều được coi là trường hợp miễn trách nhiệm? Việc quy định rõ ràng về vấn đề này sẽ nâng cao hơn trách nhiệm của cơ quan nhà nước khi ban hành quyết định, đồng thời minh bạch hóa các quy định của pháp luật giúp các bên an tâm hơn khi tham gia vào quan hệ hợp đồng.

Theo quan điểm của chúng tôi, khi thực hiện hợp đồng thương mại, các bên tham gia hợp đồng có thể có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận vì những nguyên nhân chủ quan hoặc nguyên nhân khách quan khác nhau. Nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hợp đồng thời bảo đảm công bằng cho các bên tham gia bị vi phạm, hệ thống pháp luật các quốc gia đều có quy định các hình thức chế tài trong thương mại, mỗi hình thức chế tài mang lại những hậu quả bất lợi khác nhau đối với bên vi phạm hợp đồng. Bên cạnh các chế tài bất lợi, pháp luật cũng quy định một số trường hợp mà bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng được miễn trách nhiệm, không phải gánh chịu những hậu quả bất lợi do bị áp dụng các hình thức chế tài thương mại, đó là các trường hợp miễn trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Điều này giúp cho thương nhân có thể dễ dàng thực hiện các công việc của mình và biết được phạm vi quyền hạn để thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

(Đội ngũ Luật sư Công ty Luật TNHH Sao Sáng tham gia phiên toà tại Toà án nhân dân tỉnh Nam Định)

Công ty luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi, chia sẻ kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực kinh doanh - thương mại để tư vấn cho Quý khách hàng những phương án tối ưu và hiệu quả. Trân trọng!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .