Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

SỰ KHÁC NHAU GIỮA “HÀNH VI HẠN CHẾ CẠNH TRANH VÀ HÀNH VI CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH”

16:48 CH
Thứ Hai 18/07/2022
 1997

Cạnh tranh là sự ganh đua, kình địch giành những lợi thế về cho mình trước các đối thủ cạnh tranh khác. Cạnh tranh là phương thức cơ bản để giành lợi thế kinh doanh của các chủ thể trên thị trường. Để đạt được lợi thế, nhiều chủ thể tiến hành hành vi cạnh tranh không chỉ dựa vào năng lực cạnh tranh, ngoài ra còn dựa vào cả những thủ pháp gian dối, lừa đảo để vượt qua các đối thủ có thể gây thiệt hại cho các chủ thể tham gia thị trường, tạo ra nhiều hậu quả xấu và tiêu cực đối với cả nhà nước và xã hội.

1. Về mặt khái niệm

Tại Điều 3 của Luật cạnh tranh năm 2018 có quy định về giải thích từ ngữ giúp chúng ta hiểu sơ bộ được khái niệm hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh như sau:

“Hành vi hạn chế cạnh tranh là hành vi gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh, bao gồm hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và lạm dụng vị trí độc quyền.”

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.’

Theo quy định trên, thì hành vi cạnh tranh không lành mạnh có sẽ tạo ra hiệu ứng không tốt trên thị trường hẹp, thường chỉ tác động lên một số khu vực thị trường rộng trong ngành hoặc một địa phương. Khác với hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh không thể hiện năng lực hay cường độ cạnh tranh của chủ thể tiến hành. Dưới góc độ hạn chế cạnh tranh, doanh nghiệp thông qua sức mạnh thị trường, năng lực cạnh tranh, liên kết với nhau… để thực hiện cạnh tranh nhưng cản trở hoạt động cạnh ranh nói chung trên thị trường. 

2. Về các hình thức biểu hiện: Hạn chế cạnh tranh

– Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Trong thực tiễn kinh doanh, các chủ thể kinh doanh thường thỏa thuận hợp tác với nhau nhằm đạt hiệu quả cao nhất khi tham gia vào thị trường. Đặc trưng cơ bản về chủ thể tiến hành ở đây là doanh nghiệp, những chủ thể có hình thức tổ chức kinh doanh và trực tiếp tham gia vào thương trường. Dưới góc độ pháp lý, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được thể hiện dưới hai hình thức là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc và thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang. Mặc dù hai loại thỏa thuận trên đây gây hạn chế khả năng kinh doanh thị trường, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc thường có mức độ tác động tiêu cực thấp hơn đến môi trường cạnh tranh so với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang. Tuy nhiên, nhìn vào Luật Cạnh tranh Việt Nam có thể thấy luật không phân biệt giữa các thỏa thuận cạnh tranh theo chiều ngang và theo chiều dọc để có cách xử lý thích hợp. – Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và vị trí độc quyền

Đây là những hành vi gây thiệt hai hoặc phân biệt đối xử đối với các chủ thể tham gia thị trường do việc lạm dụng vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền của doanh nghiệp. Một trong những vấn đề quan trọng mà pháp luật cạnh tranh điều chỉnh đó là việc lạm dụng vị trí thống lĩnh và vị trí độc quyền trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là phải xác định được vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền trên thị trường. Vị trí thống lĩnh thị trường không chỉ được xem xét dưới vị trí của một doanh nghiệp mà còn có thể là vị trí của một nhóm doanh nghiệp cùng hành động. Luật cạnh tranh năm 2018 đã đưa ra tiêu chí xác định một doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường theo Điều 24.

“Điều 24. Doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường

1. Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật này hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan.

2. Nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động gây tác động hạn chế cạnh tranh và có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật này hoặc có tổng thị phần thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan;

b) Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan;

c) Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan;

d) Năm doanh nghiệp trở lên có tổng thị phần từ 85% trở lên trên thị trường liên quan.

3. Nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm doanh nghiệp có thị phần ít hơn 10% trên thị trường liên quan.”

– Tập trung kinh tế

Tập trung kinh tế là nhu cầu tất yếu của đời sống kinh tế, thông qua đó các hãng có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng quy mô sản xuất để giảm chi phí sản xuất hàng hóa. Sự phát triển của tiến bộ khoa học công nghệ đã kéo theo quá trình tích tụ và tập trung sản xuất, hình thành các chủ thể kinh doanh với quy mô lớn nhằm khai thác lợi thế nhờ quy mô.

3. Về các hình thức biểu hiện: Cạnh tranh không lành mạnh

– Hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn

Đó là việc doanh nghiệp sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý… làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh. Việc gây nhầm lẫn ở đây không chỉ là nhầm lẫn làm sai lệch hiểu biết của người tiêu dùng về sản phẩm hàng, dịch vụ cung ứng, về chỉ dẫn thương mại của sản phẩm mà còn tạo ra sự nhầm lẫn, khó hiểu với hàng hóa, dịch vụ với đơn vị tổ chức khác.

– Hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh

Trong môi trường kinh doanh có cạnh tranh, doanh nghiệp luôn có những thông tin quan trọng, thậm chí liên quan đến sự tồn tại của doanh nghiệp để có được ưu thế riêng trong kinh doanh. Dưới góc độ của pháp luật cạnh tranh, bí mật kinh doanh không phải là bí mật thông thường, nó phải thỏa mãn những điều kiện nhất định để có thể trở thành đối tượng được pháp luật bảo vệ.

– Ép buộc trong kinh doanh

Doanh nghiệp, cá nhân thực hiện ép buộc trong kinh doanh có thể là chủ doanh nghiệp, người lao động của doanh nghiệp hoặc bất kỳ chủ thể nào khác với mục đích cạnh tranh không lành mạnh. Việc chứng minh được động cơ, mục đích, người chủ mưu… của những hành vi này là điều kiện cơ bản để có thể kết luận chủ thể đó có vi phạm quy định về chống cạnh tranh không lành mạnh hay không.

– Gièm pha doanh nghiệp khác

Chúng ta cần phải phân biệt giữa việc gièm pha, nói xấu, xúc phạm… với những bình luận, phân tích, nhận xét về hoạt động sản xuất kinh doanh, độ thành công và yếu kém… khác. Đây là một vấn đề xuất hiện thường xuyên trong các hoạt động thương mại và đầu tư kinh doanh.

– Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác

Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác có thể là một hoặc một số hành động thể hiện dưới nhiều cách thức gây cản trở, làm gián đoạn, hỗn loạn hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty khác. Ví dụ như gây mất trật tự đánh nhau, gây nhiễu loạn thông tin liên lạc, thủ đoạn xảo quyệt tinh vi khác.

– Hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh

Do quảng cáo có tác động và ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý và định hướng hành vị lựa chọn hàng hóa hay dịch vụ của khách hàng, quảng cáo luôn được sử dụng như là công cụ hữu hiệu để doanh nghiệp có thể thu hút khách hàng và mở rộng thị phần. 

– Hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh

Dưới giác độ kinh tế, khuyến mại mang lại lợi ích trực tiếp và trước mắt cho khách hàng, làm cho các giao dịch giữa doanh nghiệp và khách hàng được thúc đẩy. Ví dụ như khuyến mại với thời gian quá dài, gian dối về giải thưởng, khuyến mại trái đạo đức xã hội,…

– Hành vi phân biệt đối xử của hiệp hội

Đây là hành vi không đáp ứng được những chuẩn mực đạo đức kinh doanh thông thường và gây thiệt hại cho chính các chủ thể bị phân biệt đối xử trong hiệp hội.

– Hành vi bán hàng đa cấp bất chính

Cùng với sự phát triển của bán hàng đa cấp chân chính, mô hình kinh doanh kim tự tháp cũng xuất hiện chứa đựng nhiều bất cập liên quan đến quyền lợi của các thành viên tham gia và khách hàng. 

Công ty Luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến mọi lĩnh vực, để tư vấn cho Quý khách hàng có những phương hướng tối ưu và hiệu quả.

Trân trọng Kính chào!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .