Cha mẹ vay nợ, con cái có nghĩa vụ trả nợ thay không?
Từ xưa đến nay, trong cuộc sống gia đình, vấn đề tài chính giữa cha mẹ và con cái luôn là một mối quan hệ có sự gắn bó mật thiết. Truyền thống xã hội thường giao trách nhiệm tài chính vào tay cha mẹ để hỗ trợ con cái khi cần thiết. Một trong những tình huống thường gặp là cha mẹ phải đứng ra trả nợ thay cho con cái. Tuy nhiên trong thực tế, không ít trường hợp cha, mẹ vay nợ mà không có khả năng chi trả hoặc từ trần. Lúc này người cho vay chuyển sang đe dọa, đòi nợ con cái họ. Vậy con cái liệu có trách nhiệm phải trả nợ thay cho cha mẹ không? Luật Sao Sáng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về vấn đề này.
1. Trả nợ giúp cha mẹ có phải là nghĩa vụ bắt buộc của con cái không?
Quyền và nghĩa vụ của con cái được quy định tại Điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
“1. Được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức.
2. Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.
3. Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc.
Con chưa thành niên tham gia công việc gia đình phù hợp với lứa tuổi và không trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
4. Con đã thành niên có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của mình. Khi sống cùng với cha mẹ, con có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình; đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình.
5. Được hưởng quyền về tài sản tương xứng với công sức đóng góp vào tài sản của gia đình.”
Như vậy, pháp luật hiện nay không có quy định về nghĩa vụ yêu cầu con cái phải trả nợ thay cho cha mẹ. Vậy nên chủ nợ không có quyền chuyển giao khoản vay sang cho người con và bắt họ trả nợ. Tuy nhiên, nếu mong muốn con cái cũng có thể trả nợ thay cho cha mẹ dựa trên sự tự nguyện hoặc xảy ra một trong các trường hợp dưới đây.
2. Các trường hợp con cái trả nợ thay cho cha mẹ
- Trường hợp 1: Con cái là người bảo lãnh cho khoản vay của cha mẹ
Bảo lãnh là việc người thứ ba cam kết với người cho vay sẽ thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho bên vay nếu đến thời hạn mà bên vay không thực hiện được hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ . Căn cứ theo Điều 335 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Bảo lãnh:
2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.”
Do vậy, nếu con cái là người bảo lãnh cho khoản vay của cha mẹ thì khi đến thời hạn trả nợ mà cha mẹ không thanh toán hoặc không có khả năng thanh toán thì con cái phải có nghĩa vụ thanh toán khoản nợ này.
- Trường hợp 2: Khi cha mẹ qua đời và con cái nhận di sản thừa kế từ cha mẹ
Thứ nhất, căn cứ theo quy định tại Điều 614 Bộ luật dân sự 2015 về Thời điểm phá sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế: “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.”
Thứ hai, căn cứ theo quy định tại Điều 615 Bộ luật dân sự 2015 về Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại:
“1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.”
Từ hai cơ sở pháp lý nêu trên, Khi người để lại di sản qua đời, những người hưởng thừa kế của người này phải thực hiện nghĩa vụ tài sản mà người chết để lại. Nghĩa là khi người vay tiền chết thì những người hưởng di sản theo di chúc hoặc các hàng thừa kế theo pháp luật phải có trách nhiệm trả nợ thay. Như vậy, nếu con cái là người thừa hưởng di sản khi cha mẹ mất thì con cái phải có trách nhiệm trả khoản nợ mà cha mẹ đã vay mượn khi còn sống. Người con sẽ dùng chính tài sản được thừa hưởng để trả nợ và phải chỉ trả trong phạm vi phần tài sản được nhận thừa kế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Cần lưu ý rằng người con chỉ phải trả nợ trong phạm vi giá trị tài sản được nhận thừa kế và nếu cha mẹ khi qua đời không còn tài sản để lại thì con cái hoàn toàn không có nghĩa vụ phải trả nợ thay cho cha mẹ.
Hoặc con cái có quyền từ chối nhận di sản nhưng việc từ chối phải được thể hiện trước thời điểm phân chia tài sản. Trong tình huống nếu con cái biết cha mẹ đang có khoản vay nợ nhưng lại từ chối nhận di sản thừa kế để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thay thì hành vi từ chối này không được chấp nhận. Căn cứ theo quy định tại Điều 620 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Từ chối nhận di sản:
“1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.”
Từ những quy định trên có thể thấy, con cái không có nghĩa vụ trả nợ thay cho cha, mẹ trừ trường hợp bảo lãnh khoản vay của cha mẹ hoặc nhận di sản thừa kế có khoản nợ từ cha mẹ.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn !