TRÌNH TỰ PHIÊN TÒA XÉT XỬ PHÚC THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ
Trong quá trình giải quyết VAHS, nhiều vụ án đã qua xét xử sơ thẩm song vẫn chưa đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo, người có quyền lợi liên quan vụ án. Chính vì thế, để tránh sai xót, tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án hình sự trong trường hợp bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị các đương sự kháng cáo hoặc bị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng kháng nghị. Để hiểu rõ hơn về trình tự, thủ tục phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự mời các bạn tham khảo chi tiết bài viết dưới đây:
Xét xử phúc thẩm là gì?
Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.
Trình tự xét xử phúc thẩm
Các thủ tục phiên tòa phúc thẩm cũng được tiến hành tương tự như phiên tòa sơ thẩm, bao gồm thủ tục bắt đầu phiên tòa, thủ tục xét hỏi, tranh tụng, nghị án và tuyên án. Tất cả các quy định về thủ tục tại các Mục IV, V, VI Chương XXI BLTTHS năm 2015 cũng được áp dụng cho phiên tòa phúc thẩm nhưng nội dung cụ thể thì chủ yếu tập trung vào làm rõ nội dung kháng cáo, kháng nghị trên cơ sở xem xét chứng cứ mới, các chứng cứ cũ, tài liệu, đồ vậ, nội dung kháng cáo, kháng nghị.
Một là: Thụ lý vụ án
Theo quy định tại Điều 340 BLTTHS 2015 ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án có kháng cáo, kháng nghị và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có), Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm phân công Thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa, phiên họp.
Hai là: Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát
1. Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm phải chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 15 ngày đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, 20 ngày đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án. Trường hợp vụ án thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 25 ngày đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, 30 ngày đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương.
2. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm nhận được chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung trước khi xét xử thì phải chuyển chứng cứ, tài liệu, đồ vật này cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung thì Viện kiểm sát phải trả lại cho Tòa án.
Ba là: Thủ tục phiên tòa phúc thẩm
1. Thủ tục bắt đầu phiên tòa và thủ tụng tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm được tiến hành như phiên tòa sơ thẩm nhưng trước khi xét hỏi, một thành viên của Hội đồng xét xử trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị.
2. Chủ toạ phiên tòa hỏi người kháng cáo có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo.
Chủ toạ phiên tòa hỏi Kiểm sát viên có thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo và những người liên quan đến kháng nghị trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị.
3. Khi tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên, người khác liên quan đến kháng cáo, kháng nghị phát biểu ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị; Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.
Như vậy, khi tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên không trình bày lời luận tội mà qua việc xét hỏi, xem xét đánh giá chứng cứ (cả chứng cứ cũ và chứng cứ mới), Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về tính có căn cứ và hợp pháp của bản án Sơ thẩm trên cơ sở đánh giá mức độ phù hợp và có căn cứ của kháng cáo, kháng nghị về hướng giải quyết vụ án.
Bốn là: Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm
- Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm (Điều 356 BLTTHS 2015)
- Sửa bản án sơ thẩm (Điều 357 BLTTHS năm 2015)
- Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại (Điều 358 BLTTHS 2015)
- Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án (Điều 359 BLTTHS 2015)
- Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm (Điều 348 BLTTHS 2015)
Sau khi tiến hành các bước của phiên tòa phúc thẩm, nếu thấy nội dung bản án sơ thẩm và các quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bảo đảm tính có căn cứ và hợp pháp thì Hội đổng xét xử phúc thẩm ra quyết định bác kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm. Nếu Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy bản án sơ thẩm có những sai lầm liên quan đến định tội danh, quyết định hình phạt, áp dụng các biện pháp tư pháp, quyết định mức bồi thường thiệt hại hoặc xử lý vật chứng, Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa chữa sai lầm đó bằng cách sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi hoặc không có lợi cho bị cáo. Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại khi nhận thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đẩy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được hoặc khi có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm; … Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại Điều 157 của BLTTHS 2015. Bên cạnh các quyền hạn đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn bổ sung một quyền hạn của Hội đồng xét xử phúc thẩm vào nhóm quyền hạn này, đó là: đình chỉ việc xét xử phúc thẩm. Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm trong trường hợp như người kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa xét xử phúc thẩm.
Thời điểm có hiệu lực pháp luật của bản án phúc thẩm là ngày Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên án, tức là bản án sẽ được đưa ra thi hành án ngay. Chính vì vậy, việc ra bản án phúc thẩm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ đối với việc giải quyết nội dung vụ án, bảo đảm quyền và lợi ích của người kháng cáo, người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị mà còn là căn cứ để đánh giá chất lượng giải quyết, xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm nói chung và trực tiếp đối với Thẩm phán Tòa án sơ thẩm nói riêng.
Năm là: Thủ tục phúc thẩm đối với quyết định sơ thẩm
1. Khi phúc thẩm đối với quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải triệu tập người kháng cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị tham gia phiên họp. Trường hợp họ vắng mặt thì Hội đồng xét xử phúc thẩm vẫn tiến hành phiên họp.
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thụ lý hồ sơ vụ án, Tòa án phải mở phiên họp để xem xét quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Hội đồng xét xử phúc thẩm phải mở phiên họp. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định thì Tòa án phải chuyển hồ sơ vụ án kèm theo quyết định mở phiên họp cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải trả hồ sơ vụ án cho Tòa án.
3. Tại phiên họp, một thành viên của Hội đồng xét xử phúc thẩm trình bày tóm tắt nội dung quyết định sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có).
Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải có mặt tại phiên họp và phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị trước khi Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!