Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

HÀNH VI MUA, BÁN TRÁI PHÉP HÓA ĐƠN, SỬ DỤNG HÓA ĐƠN KHÔNG HỢP PHÁP BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

14:09 CH
Thứ Hai 13/01/2025
 16

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi mua, bán trái phép hóa đơn, sử dụng hóa đơn không hợp pháp tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể chế tài xử phạt hành chính, chế tài hình sự đối với những hành vi này được quy định như thế nào? Bài viết dưới đây, Luật Sao Sáng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về vấn đề này.

1. Hóa đơn là gì? Những hành vi bị coi là sử dụng hóa đơn không hợp pháp?

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định như sau:

“Hóa đơn là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hóa đơn được thể hiện theo hình thức hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn do cơ quan thuế đặt in”.

Những hành vi bị coi là sử dụng hóa đơn không hợp pháp được quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP bao gồm:

  • Hóa đơn giả;
  • Hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng;
  • Hóa đơn bị ngừng sử dụng trong thời gian bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, trừ trường hợp được phép sử dụng theo thông báo của cơ quan thuế;
  • Hóa đơn điện tử không đăng ký sử dụng với cơ quan thuế;
  • Hóa đơn điện tử chưa có mã của cơ quan thuế đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế;
  • Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn từ ngày cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn trước ngày xác định bên lập hóa đơn không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có thông báo của cơ quan thuế về việc bên lập hóa đơn không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền nhưng cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã có kết luận đó là hóa đơn không hợp pháp.

Theo đó, các doanh nghiệp và cá nhân có hành vi mua, bán trái phép hóa đơn; sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để thực hiện các hành vi gian lận tài chính sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật. Trường hợp sử dụng hóa đơn không hợp pháp nhằm mục đích trốn thuế thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn thuế.

2. Về xử phạt vi phạm hành chính

Việc xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn thực hiện theo các quy định liên quan tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP), cụ thể:

2.1. Đối với hành vi cho, bán hóa đơn

- Căn cứ tại Điều 22 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với hành vi cho, bán hóa đơn.

- Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy hóa đơn, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.

2.2. Đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn

- Hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn sẽ bị xử phạt theo Điều 4, Điều 28 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (trừ trường hợp hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn làm tăng số tiền thuế phải nộp, tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn bị xử phạt về thuế theo quy định tại Điều 16, Điều 17 Nghị định này).

- Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.

Quy định mới về hóa đơn, chứng từ - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

2.3. Đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn

- Hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định sẽ bị xử phạt theo Điều 16 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP với mức phạt 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được hoàn cao hơn so với quy định.

- Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được hoàn cao hơn quy định và tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách Nhà nước; Buộc điều chỉnh lại số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau (nếu có).

2.4. Xử phạt hành vi trốn thuế 

- Đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm xác định là hành vi trốn thuế nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 200 Bộ luật Hình sự sẽ bị xử phạt theo Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 1 đến 3 lần số thuế trốn, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm (mức phạt tăng dần theo tình tiết tăng nặng của vụ vi phạm)

- Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách Nhà nước; Buộc điều chỉnh lại số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có).

3. Về xử lý hình sự

3.1. Tội trốn thuế

Theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi năm 2017), hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử lý về Tội trốn thuế (Điều 200). Cụ thể:

  • Nếu là cá nhân bị xét xử với 3 khung hình phạt chính có mức phạt Tiền từ 100 triệu đồng đến 4,5 tỷ đồng hoặc bị phạt Tù có thời hạn từ 03 tháng đến 7 năm.
  • Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
  • Nếu là pháp nhân thương mại sẽ bị xét xử với 4 khung phạt chính là: Phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 10 tỷ đồng; hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
  • Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

3.2. Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước

Hành vi mua, bán trái phép hóa đơn đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử lý về Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước (Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:

  • Nếu là cá nhân bị xét xử với 2 khung hình phạt chính có mức phạt Tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
  • Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
  • Nếu là pháp nhân thương mại sẽ bị xét xử với 2 khung phạt chính là: Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
  • Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp ý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng.  Trân trọng cảm ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .