Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

AI ĐƯỢC COI LÀ NGƯỜI CÓ CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN? NHỮNG TỘI PHẠM LIÊN QUAN ĐẾN NGƯỜI CÓ CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN

10:38 SA
Thứ Bảy 17/06/2023
 305

Pháp luật Việt Nam có nhiều quy định liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn. Nhưng không phải ai cũng thực sự hiểu rõ như thế nào là người có chức vụ, quyền hạn, ai được coi là người có chức vụ, quyền hạn. Để làm rõ về vấn đề này mời quý vị cùng theo dõi bài viết dưới đây!

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017

Luật Phòng, chống tham nhũng 2018

1. Định nghĩa người có chức vụ, quyền hạn? Người có chức vụ, quyền hạn gồm những ai?

Căn cứ theo khoản 2, Điều 352, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, khoản 2, Điều 3, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 cũng quy định về người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

Cũng tại khoản 2, Điều 3, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, người có chức vụ, quyền hạn gồm những người sau đây:

- Cán bộ, công chức, viên chức

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân

- Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp

- Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức

- Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó

2. Người có chức vụ, quyền hạn phải thực hiện những quy tắc ứng xử như thế nào?

Theo Điều 20 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn như sau:

Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội phải thực hiện quy tắc ứng xử, bao gồm các chuẩn mực xử sự là những việc phải làm hoặc không được làm phù hợp với pháp luật và đặc thù nghề nghiệp nhằm bảo đảm liêm chính, trách nhiệm, đạo đức công vụ.

Người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm những điều sau đây:

- Nhũng nhiễu trong giải quyết công việc;

- Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác;

- Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;

- Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;

- Sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Những việc khác mà người có chức vụ, quyền hạn không được làm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Doanh nghiệp và luật khác có liên quan.

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.

Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và người giữ chức danh, chức vụ quản lý khác trong doanh nghiệp nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp.

3. Các tội phạm liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn

Điều 352 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

Các tội phạm về chức vụ quy định trong Bộ luật Hình sự gồm:

- Tội tham ô tài sản (quy định tại Điều 353)

- Tội nhận hối lộ (quy định tại Điều 354)

- Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (quy định tại Điều 355)

- Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (quy định tại Điều 356)

- Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (quy định tại Điều 357)

- Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (quy định tại Điều 358)

- Tội giả mạo trong công tác (quy định tại Điều 359)

Bên cạnh đó còn có một số tội phạm khác về chức vụ như:

- Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (quy định tại Điều 360)

- Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (quy định tại Điều 361)

- Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (quy định tại Điều 362)

- Tội đào nhiệm (quy định tại Điều 363)

- Tội đưa hối lộ (quy định tại Điều 364)

- Tội môi giới hối lộ (quy định tại Điều 365)

- Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi (quy định tại Điều 366)

Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về chủ đề Ai được coi là người có chức vụ, quyền hạn? Những tội phạm liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .