NHỮNG DỤNG CỤ ĐỂ TỰ VỆ KHÔNG VI PHẠM PHÁP LUẬT
Dụng cụ tự vệ hợp pháp là những vật dụng, thiết bị và công cụ được pháp luật cho phép sử dụng để bảo vệ bản thân, tài sản và giúp đỡ người khác khỏi hành vi xâm hại. Tuy nhiên, những dụng cụ đó phải là món đồ tự vệ không bị cấm, không mang tính sát thương cao, gây nguy hiểm đến tính mạng đối phương. Vậy những dụng cụ nào có thể mang theo để tự vệ mà không vi phạm pháp luật. Bài viết dưới đây, Luật Sao Sáng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về vấn đề này.
1. Những đồ tự vệ hợp pháp ở Việt Nam
Tại Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên”.
Hiện nay, pháp luật không liệt kê đồ tự vệ hợp pháp gồm những gì, nhưng tại điểm a khoản 1 Điều 4 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 đã quy định nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ các loại vũ khí thô sơ là hiện vật trưng bày, triển lãm, làm đồ gia bảo.
Theo đó, tại Điều 2 Luật này quy định rõ như sau:
- Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những thiết bị, phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, súng săn.
- Vũ khí thô sơ bao gồm:
+ Kiếm, giáo, mác, thương, dao găm, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;
+ Dao có tính sát thương cao quy định tại khoản 6 Điều này sử dụng với mục đích để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024.
- Vũ khí thể thao bao gồm:
+ Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay, đạn sử dụng cho các loại súng này thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành được trang bị, sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao;
+ Vũ khí quy định tại điểm a khoản 4 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 dùng để luyện tập, thi đấu thể thao;
+ Linh kiện cơ bản của súng quy định tại điểm a khoản này bao gồm: thân súng, nòng súng, bộ phận cò, bộ phận khóa nòng, kim hỏa.
- Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp, bao gồm:
+ Súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới; súng phóng dây mồi; súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu và đạn sử dụng cho các loại súng này; phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa; lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ; dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại; khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai; áo giáp; găng tay điện, găng tay bắt dao; lá chắn, mũ chống đạn; thiết bị áp chế bằng âm thanh; ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;
- Dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.
Như vậy, người dân không được sỡ hữu cũng như sử dụng những loại vũ khí đã được nêu tại quy định trên để tự vệ cho bản thân.
* Những dụng cụ để tự vệ mà không vi phạm pháp luật
Ngoài những loại vũ khí, công cụ hỗ trợ bị nghiêm cấm sử dụng trên, thì người dân có thể sử dụng một số dụng cụ dưới đây để tự vệ cho bản thân trong tình huống nguy hiểm như:
- Nón bảo hiểm;
- Gậy bóng chày;
- Găng tay boxing;
- Gậy bẻ lò xo tập cơ tay;
- Cờ lê;…và nhiều dụng cụ gia dụng, thể thao khác không được xem là vũ khí, công cụ hỗ trợ.
2. Mức phạt tiền đối với hành vi sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trái phép
Căn cứ theo điểm h khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP đã quy định: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép”.
Ngoài ra, một số hành vi khác dưới đây cũng sẽ bị xử lý với khung hình phạt trên như sau:
- Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
- Tàng trữ, vận chuyển trái phép các loại phế liệu, phế phẩm vũ khí, công cụ hỗ trợ;
- Vận chuyển, tàng trữ trái phép đồ chơi nguy hiểm bị cấm;
- Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp ý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!