Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

XÚC PHẠM DANH DỰ NHÂN PHẨM CỦA NGƯỜI KHÁC PHẢI GÁNH CHỊU NHỮNG HẬU QUẢ GÌ?

15:13 CH
Thứ Ba 27/09/2022
 2412

Từ xa xưa, danh dự nhân phẩm là những giá trị gắn liền với nhân thân con người. Việc một số cá nhân xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác gây ảnh hưởng nghiệm trọng, đặc biệt trong thời đại 4.0 hiện nay, việc phát tán lan truyền các hình ảnh, video trên mạng xã hội một cách chóng mặt, gây ảnh hưởng sâu sắc tới tâm lý cuộc sống của người bị hại, đặc biệt nghiêm trọng hơn nữa là xảy ra những trường hợp đáng tiếc. Vậy việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác phải gánh chịu những hậu quả gì?

1. Khái niệm

    Hiện nay pháp luật chưa có những khái niệm cụ thể thế nào là xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác. Tuy nhiên có thể hiểu xúc phạm nhân phẩm danh dự người khác là dùng những từ ngữ thô tục, tục tĩu để chê bai, nhục mạ, dèm pha nhằm hạ thấp thanh danh, uy tín của người khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng về danh dự, nhân phẩm cho người khác. 

    2. Căn cứ xác nhận hành vi

   Nếu hành vi có đủ những yếu tố sau và thuộc trường hợp quy định tại điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

   Hành vi: Người phạm tội có hành vi có tính chất xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm danh dự của người khác như có những lời nói sỉ nhục, miệt thị hạ thấp danh dự, xúc phạm nhân phẩm như chửi bới bằng những câu tục tĩu, nhạo báng,…. Hoặc có hành vi có tính chất bỉ ổi như nhổ nước bọt vào mặt,… Những hành vi này có thể được thực hiện công khai trước mặt người bị xúc phạm hoặc có thể qua người khác để đến người này.

   Để xác định được tính nghiêm trọng của hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác phải căn cứ vào thái độ nhận thức của người phạm tội, dư luận xã hội; hậu quả của bị hại phải gánh chịu trước sự lăng mạ, sỉ nhục đó, hậu quả tâm lý người đó phải gánh chịu.

    Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý: Người phạm tội biết hành vi của mình là xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác nhưng đã thực hiện hành vi để đạt được mục đích đó.

   Chủ thể: Chủ thể của tội làm nhục người khác là người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. Người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm về tội này vì không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 sữa đổi bổ sung năm 2017.     

3. Mức xử phạt đối với hành vi xức phạm danh dự, nhân phẩm của người khác

   Căn cứ Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội làm nhục người khác như sau:

   “1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

   2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

   a) Phạm tội 02 lần trở lên;

   b) Đối với 02 người trở lên;

   c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

  d) Đối với người đang thi hành công vụ;

  đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

  e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

  g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%

  3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

  a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

  b) Làm nạn nhân tự sát.

  4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

  Như vậy việc xúc phạm danh dự nhân phẩm tùy vào mức độ mà người đó gây ra cho người bị hại có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn nữa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức xử phạt lên tới 5 năm tù.

  Ngoài ra căn cứ theo Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, người nào có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Theo đó, người vi phạm không những phải bồi thường các chi phí để khắc phục thiệt hại còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị bôi nhọ về danh dự, nhân phẩm. Mức tiền do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tiền bồi thường tối đa là không quá 10 tháng lương cơ sở. Bên cạnh đó, người bị thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai.

  - Lưu ý người phạm tội có thể bị xử phạt bổ sung như: Người phạm tội có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm căn cứ theo Khoản 4 Điều 155 bộ luật hình sự 2015. Như vậy người phạm tội xúc phạm nhân phẩm danh dự của người khác tùy vào mức độ vi phạm mà có mức hình phạt khác nhau từ 3 tháng đến 5 năm tù.

  Trên đây là nội dung Luật Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về vấn đề xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Nếu có vấn đề nào còn thắc mắc hoặc cần được hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua emailluatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 09366536 36 – 0972172757 để được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .