Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

KHÁNG CÁO CỦA BỊ CÁO CÓ LÀM TĂNG MỨC HÌNH PHẠT KHÔNG?

14:43 CH
Thứ Tư 14/06/2023
 2909

Sau phiên tòa sơ thẩm tại tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, chồng tôi bị kết án 07 năm tù giam về tội mua bán trái phép chất ma túy theo quy định tại Khoản 2 Điều 251 Bộ Luật Hình Sự 2015. Nhận thất bản án là quá nặng với mình cho nên chồng tôi đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Nhưng gia đình tôi lo sợ chồng tôi sẽ bị tăng mức án nếu như kháng cáo. Vậy quý luật sư cho tôi hỏi trong trường hợp chồng tôi làm đơn kháng cáo đến lúc xét xử phúc thẩm có bị tăng hình phạt không? Đây là câu hỏi của một vị độc giả gửi đến Công ty Luật TNHH Sao Sáng, để hiểu rõ hơn về vấn đề này mời quý vị hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây.

1. Kháng cáo là gì?

Kháng cáo được hiểu là thủ tục tiến hành sau khi bản án được tuyên tại phiên tòa sơ thẩm chưa có hiệu lực thi hành ngay, trong khoảng thời gian 15 ngày nếu không đồng ý với phán quyết của bản án sơ thẩm thì các bên có quyền nộp đơn kháng cáo để yêu cầu xét xử bản án đó.

Kháng cáo hình sự là quyền của bị hại, bị cáo, đương sự khi không đồng ý với bản án, khi xét thấy bản án quyết định chưa đảm bảo đúng quyền lợi của họ.

2. Ai có quyền kháng cáo ?

Căn cứ vào Điều 331 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015 có quy định người có quyền kháng cáo gồm:

- Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

- Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.

- Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.

Vậy trong trường hợp của gia đình bạn, chồng bạn cho rằng bản án đối với mình là quá nặng có thể tự mình làm đơn kháng cáo hoặc nhờ luật sư bào chữa làm đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm để xin giảm nhẹ.

3. Quy định của pháp luật về việc kháng cáo có làm tăng  mức hình phạt không?

Điều 355 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015 quy định:

“Điều 355. Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm

1. Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền:

a) Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm;

b) Sửa bản án sơ thẩm;

c) Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại;

d) Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án;

đ) Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm.

2. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Vậy Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm theo đơn kháng cáo của các đương sự có trong vụ án. Sửa bản án sơ thẩm cho bị cáo là thẩm quyền của hội đồng xét xử phúc thẩm, trong phạm vi xét xử của mình có thể thay đổi nội dung của bản án sơ thẩm theo hướng tăng nặng hoặc giảm nhẹ cho bị cáo so với tình trạng mà bản án sơ thẩm đã tuyên, theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên hội đồng xét xử phúc thẩm chỉ có thể sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo khi có kháng cáo của bị hại hoặc kháng nghị của Viện Kiểm sát theo hướng đó. Được quy định tại  Điều 357 Bộ Luật Tố Tụng Hình sự năm 2015:

Điều 357. Sửa bản án sơ thẩm

1. Khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau:

a) Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; không áp dụng hình phạt bổ sung; không áp dụng biện pháp tư pháp;

b) Áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn;

c) Giảm hình phạt cho bị cáo;

d) Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng;

đ) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn;

e) Giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo.

2. Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc bị hại kháng cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể:

a) Tăng hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nặng hơn; áp dụng hình phạt bổ sung; áp dụng biện pháp tư pháp;

b) Tăng mức bồi thường thiệt hại;

c) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn;

d) Không cho bị cáo hưởng án treo.

Nếu có căn cứ thì Hội đồng xét xử vẫn có thể giảm hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo, giảm mức bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều này cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.”

Như vậy, có thể thấy chỉ khi có kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc kháng cáo của bị hại thì hội đồng xét xử phúc thẩm mới có quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo.

Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo theo các trường hợp như sau:

- Tăng hình phạt đối với bị cáo

 - Áp dụng điều, khoản của Bộ Luật Hình Sự về tội nặng hơn

- Tăng mức bồi thường thiệt hại

- Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại năng hơn

- Không cho hưởng án treo

Vậy trường hợp của gia đình bạn có thể kết luận lại như sau: Thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp phúc thẩm có thể giảm hình phạt hoặc áp dụng điều khoản Bộ Luật Hình sự về tội nhẹ hơn nếu kháng cáo có căn cứ pháp luật. Trường hợp kháng cáo của chồng bạn không có căn cứ thì Tòa phúc thẩm nhận định cấp sơ thẩm xử đúng người đúng tội và quyết định bác đơn kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Trường hợp Viện Kiểm Sát kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với chồng bạn thì căn cứ vào các tình tiết của vụ án và nếu kháng nghị, kháng cáo có căn cứ thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể tăng hình phạt, áp dụng điều khoản Bộ Luật Hình sự về tội nặng hơn hoặc trường hợp kháng cáo, kháng nghị không có căn cứ thì Tòa phúc thẩm nhận định cấp sơ thẩm xử đúng người đúng tội và quyết định bác đơn kháng cáo, kháng nghị nói trên.

 Như vậy, trong mọi trường hợp nếu chỉ có kháng cáo của bị cáo (chồng bạn) thì Tòa án cấp phúc thẩm không thể tuyên một hình phạt nặng hơn hình phạt mà Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.2757 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .