Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

HÀNH VI XEM BÓI, BÓI TOÁN CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT KHÔNG?

14:25 CH
Thứ Ba 04/07/2023
 464

Mỗi khi đến dịp lễ tết chắc hẳn chúng ta đã không còn xa lạ gì với hình ảnh nhiều người đổ xô tìm đến các "thầy" để xem tử vi, xem bói hay "giải hạn", "đổi vận",.... Đặc biệt, trong thời gian gần đây, xuất hiện không ít những buổi livestream xem bói, xem số, bói toán,... thu hút rất nhiều người xem. Những hành vi này dễ khiến cho người xem có tâm lý lo lắng, sợ hãi, dễ dàng trở thành "con mồi" cho những đối tượng lừa đảo. Vậy dưới góc độ pháp lý những hành vi trên liệu có bị coi là hành vi vi phạm pháp luật hay không? Hãy cùng Luật Sao Sáng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Căn cứ pháp lý:

- Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017;

- Luật tín ngưỡng tôn giáo 2016;

- Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo;

- Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bưu chính, viễn thông.

1. Hành vi xem bói có vi phạm pháp luật hay không?

Pháp luật Việt Nam hiện nay ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của người dân. Đây là một trong những quyền cơ bản của công dân mà trong Hiến Pháp có ghi nhận rõ ràng. Hiện nay pháp luật Việt Nam cũng không cấm hành vi coi bói nếu hành vi đó không mang tính chất trục lợi, không gây nên hậu quả xấu và không làm hành hưởng đến an ninh xã hội.

Căn cứ theo khoản 4, khoản 5 Điều 5 Luật tín ngưỡng tôn giáo quy định về các hành vi bị cấm như sau:

“ 4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:

a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;

b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;

d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

 5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.”

Như vậy theo đó đối với hành vi coi bói hay livestream coi bói nếu nhằm mục đích trục lợi hay gây nên hậu quả xấu hoặc làm ảnh hưởng đến an ninh xã hội thì tùy vào tính chất mức độ hành vi đó có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm trí là xử lý hình sự.

2. Xử lý hành chính đối với hành vi xem bói

Căn cứ theo Điều 14, Nghị định 38/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về tổ chức lễ hội:

“ 7. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

…..

đ) Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 3, điểm a khoản 4 và điểm đ khoản 7 Điều này;

b) Buộc hoàn lại số tiền có được do thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 5 Điều này.”.

Cũng căn cứ theo Điều 20, nghị định 38/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về tổ chức lễ hội có quy định:

“ 6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

…….

c) Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan.

……..”

Theo đó đối với hành vi tổ chức xem bói mang tính chất mê tín dị đoan không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam thì chủ thể của hành vi có thể bị xử phạt hành chính từ 15 triệu cho đến 20 triệu đồng, thậm trí với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 40 triệu đồng. Và phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo khoản 8 điều này. Buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.

 

3. Người đến xem bói có vi phạm pháp luật không?

Căn cứ theo khoản 4 Điều 14 nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định:

“ 4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi;

b) Tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội.”

 Như vậy theo đó đối với những người mà tham gia hoạt động mê tín này cũng có thể bị coi là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt là từ 3 triệu cho đến 5 triệu đồng.

4. Hành vi livestream xem bói liệu có vi phạm pháp luật hay không?

Hiện nay trên MXH xuất hiện không ít những video gọi hồn, hay bói toán, đồng bóng hoặc thậm trí là những buổi livestream trực tiếp để hành nghề. Những hành vi như vậy đã gây ra rất nhiều hậu quả xấu, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh xã hội. Chính vì vậy nên đối với hành vi trên tùy thuộc vào mức độ và tính chất vi phạm sẽ bị xử lý theo mức độ khác nhau:

Căn cứ theo khoản 1 Điều 101 Nghị Định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định như sau:

“ 1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

…….

b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

……..”

Theo đó việc đăng tải những hình ảnh, video trên mạng xã hội để trục lợi sẽ bị sử phạt hành chính với mức phạt cao nhất lên đến 20 triệu đồng.

5. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xem bói

Căn cứ theo Điều 320 Bộ luật hình sự 2015( sửa đổi bổ sung 2017) quy định về Tội hành nghề mê tín dị đoan như sau:

“ 1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết người;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

Như vậy theo đó, đối với hành vi xem bói, bói toán hay kể cả livestream xem bói nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh trên với khung hình phạt cao nhất lên tới 10 năm nếu thuộc 1 trong 3 trường hợp thuộc khoản 2 nêu trên.

Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng.

Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về hành vi xem bói, livestream xem bói liệu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .