Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

ÉP NGƯỜI KHÁC UỐNG RƯỢU, BIA CÓ BỊ XỬ PHẠT?

10:38 SA
Thứ Sáu 13/10/2023
 116

Trong những cuộc vui trên bàn nhậu, việc ép rượu bia giữa bạn bè hay đồng nghiệp là điều chúng ta thường thấy. Tuy nhiên đứng dưới góc độ pháp lý, hành vi này liệu có vi phạm pháp luật hay không? Qua bài viết dưới đây Luật Sao Sáng sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về vấn đề này.

Căn cứ pháp lý:

- Bộ luật Dân sự 2015;

- Luật Phòng chống, tác hại của rượu bia 2019;

- Nghị định 117/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

1. Ép rượu người khác là một trong các hành vi bị nghiêm cấm.

Tại Điều 5 Luật Phòng chống, tác hại của rượu bia 2019 nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

- Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.

- Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

- Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

- Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi; trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan; hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân; học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

- Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

- Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.

Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì ép buộc người khác uống rượu, bia là một trong các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Do đó, người ép người khác uống rượu, bia có thể bị xử phạt đối với hành vi vi phạm này.

2. Ép người khác uống rượu bia bị xử lý thế nào?

Việc ép người khác uống rượu bia là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm như đã nêu ở trên. Theo điểm b khoản 2 Điều 30 Nghị định 117/2020/NĐ-CP việc xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Ngoài ra theo điểm b khoản 3 Điều 30 Nghị định này, hành vi ép buộc người khác uống rượu bia sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Như vậy, mức xử phạt cao nhất đối với hành vi này có thể lên tới 03 triệu đồng.

3. Người uống gây thiệt hại, người ép phải bồi thường.

Căn cứ Điều 596 Bộ luật dân sự 2015 quy định, khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.

Từ quy định trên có thể thấy, hành vi cố ý ép người khác uống rượu, làm người đó mất khả năng nhận thức và gây ra thiệt hại thì người phải bồi thường chính là người ép người khác uống rượu.

Trong trường hợp khác, trường hợp không có ai ép buộc thì người uống rượu sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu gây ra thiệt hại do say rượu mà mất khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi (khoản 1 Điều 596 Bộ luật Dân sự 2015).

4. Cần phải có bằng chứng ra sao thì mới tố cáo được hành vi ép uống rượu bia?

Việc xử phạt phải được tiến hành công khai và khách quan. Do đó, người bị ép uống rượu phải thực hiện việc tố giác người vi phạm và chứng minh được bản thân bị cưỡng ép sử dụng rượu, bia bằng cách đưa ra hình ảnh, bằng ghi âm hay video ghi lại hành động, lời nói thể hiện bị người khác ép uống rượu, bia hoặc có người làm chứng về việc này. Từ đó, cơ quan có thẩm quyền có cơ sở đánh giá và xử lý theo quy định.

Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc quy định về vấn đề ép người khác uống rượu, bia và chế tài xử phạt cho hành vi vi phạm này. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .