Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

QUY ĐỊNH VỀ CÁC TRƯỜNG HỢP KHÔNG ĐƯỢC CẤP TÍN DỤNG

16:53 CH
Thứ Sáu 03/11/2023
 170

Thế nào là cấp tín dụng? Trường hợp nào không được cấp tín dụng hay bị hạn chế cấp tín dụng? Đây là vấn đề được nhiều tổ chức tín dụng cũng như nhiều tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh quan tâm. Do hoạt động ngân hàng là hoạt động nhạy cảm, có tác động lớn đến kinh tế, chính trị, xã hội, trong khi đó nghiệp vụ cấp tín dụng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vậy nên Nhà nước đã đưa ra một số quy định khá nghiêm ngặt để quản lý hoạt động này. Bài viết dưới đây sẽ khái quát một số quy định pháp luật trong vấn đề này.

1. Cấp tín dụng là gì?

Theo quy định tại khoản 14 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.

Các quy định về cấm hay hạn chế cấp tín dụng được đưa ra nhằm đảm bảo sự khách quan trong quá trình thẩm định và xét duyệt cấp tín dụng, bảo toàn nguồn vốn tín dụng, chống xung đột lợi ích do những đối tượng bị cấm hoặc hạn chế đều là những chủ thể có ảnh hưởng lớn đến việc cấp tín dụng của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, việc cấm cấp tín dụng không áp dụng đối với phát hành thẻ tín dụng do hình thức cấp tín dụng này có sự bảo đảm.

 

2. Các trường hợp không được cấp tín dụng

Những trường hợp không được cấp tín dụng theo Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi bổ sung năm 2017) gồm:

(1) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng đối với những tổ chức, cá nhân sau đây:

- Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn;

- Cha, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương.

(2) Quy định tại (1) mục này không áp dụng đối với quỹ tín dụng nhân dân và trường hợp cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng cho cá nhân.

(3) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng trên cơ sở bảo đảm của đối tượng quy định tại (1) mục này. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào để tổ chức tín dụng khác cấp tín dụng cho đối tượng quy định tại (1) mục này.

(4) Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát.

(5) Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng trên cơ sở nhận bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng hoặc công ty con của tổ chức tín dụng.

(6) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng.

(7) Việc cấp tín dụng quy định tại (1), (3), (4), (5) và (6) mục này bao gồm cả hoạt động mua, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

 

3. Các trường hợp hạn chế cấp tín dụng

Theo khoản 1 Điều 127 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017) quy định Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho những đối tượng sau đây:

(1) Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; thanh tra viên đang thanh tra tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

(2) Kế toán trưởng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng quản trị, Trưởng ban và thành viên khác của Ban kiểm soát, Giám đốc, Phó giám đốc và các chức danh tương đương của quỹ tín dụng nhân dân;

(3) Cổ đông lớn, cổ đông sáng lập;

(4) Doanh nghiệp có một trong những đối tượng quy định tại mục 1 sở hữu trên 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó;

(5) Người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng;

(6) Các công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát.

 

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 – 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .