Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

PHÂN BIỆT THỦ TỤC GIÁM ĐỐC THẨM VÀ TÁI THẨM TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ.

14:29 CH
Thứ Hai 20/11/2023
 302

Nhiều người vẫn luôn cho rằng, giám đốc thẩm và tái thẩm là các cấp xét xử nhưng điều này là không đúng. Tái thẩm và giám đốc thẩm chỉ là 2 thủ tục đặc biệt trong tố tụng chứ không phải là cấp xét xử. Cấp xét xử là hình thức tổ chức tố tụng. Cấp xét xử và thủ tục xét xử là hai khái niệm khác nhau, nhưng chúng có quan hệ mật thiết với nhau. Các thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ được áp dụng trong các trường hợp đặc biệt. Để làm rõ hai khái niệm này, Luật Sao Sáng mang đến quý độc giả bài viết để phân biệt thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm qua bài viết sau!

Căn cứ pháp lý: Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015).

I. Điểm giống nhau giữa thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm

     Căn cứ vào các quy định của BLTTDS 2015, chúng ta có thể rút ra được một số điểm tương đồng giữa giám đốc thẩm và tái thẩm trong tố tụng dân sự như sau:

1. Về đối tượng kháng nghị:

     Giám đốc thẩm và tái thẩm đều có đối tượng kháng nghị là các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trên thực tế buộc các chủ thể có liên quan phải tuân thủ chấp hành. Và khi phát hiện có sai sót thì bị kháng nghị bởi cơ quan có thẩm quyền.

2. Về chủ thể có quyền kháng nghị:  Căn cứ Điều 331, Điều 354 BLTTDS 2015

     Chỉ có Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao mới có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

3. Về phạm vi nội dung xem xét lại:

     - Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ xem xét lại phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị.

     - Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm có quyền xem xét phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật không bị kháng nghị hoặc không liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị, nếu phần quyết định đó xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người thứ ba không phải là đương sự trong vụ án.

4. Về hậu quả pháp lý:

     Khi một bản án hoặc quyết định của Tòa án bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm bởi các chủ thể có thẩm quyền thì bản án, quyết định đó không có giá trị pháp lý đối với các đương sự trong vụ án, các chủ thể có liên quan. Bản án, quyết định cũ của Tòa án trước đó sẽ bị hủy, các đương sự, chủ thể trong vụ án sẽ tuân theo quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm khi bản án được xét lại

5. Về hiệu lực:

     Giám đốc thẩm và tái thẩm sẽ có hiệu lực ngay khi Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm ra quyết định.

     Ngoài ra, tái thẩm và giám đốc thẩm vụ án dân sự còn giống nhau ở nội dung về quyết định kháng nghị; thẩm quyền xét xử; Hội đồng xét xử và những người tham gia phiên toà; trình tự, diễn biến phiên toà;…

II. Điểm khác nhau giữa thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm

1. Về tính chất:

     + Thủ tục giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ kháng nghị theo quy định. Sự phát hiện có vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn tố tụng nào.

     + Thủ tục tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị khi vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó.

2. Về căn cứ kháng nghị:

     + Giám đốc thẩm:  Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây. (Căn cứ theo Điều 326 BLTTDS 2015)

– Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;

– Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;

– Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

     Về lý luận, sự khác biệt về tính chất của của các căn cứ kháng nghị là cơ sở chủ yếu cho việc thiết lập hai thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật tương ứng là thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm. Đối với thủ tục giám đốc thẩm thì thông thường là những sai lầm, vi phạm pháp luật của Tòa án có nguồn gốc từ chính sự nhận thức, đánh giá không đúng về sự việc hoặc pháp luật do sự ngộ nhận hoặc thiếu cẩn trọng của thẩm phán, Hội thẩm nhân dân đối với chứng cứ, tài liệu của vụ việc hoặc đối với các quy định của pháp luật về nội dung, về tố tụng dân sự. Ngoài ra có thể là sai lầm về việc Tòa án bị yếu tố ngoại cảnh tác động (đương sự hoặc Tòa án không thể biết được) như thiếu những tình tiết, sự kiện cần thiết hoặc các tình tiết, sự kiện mà Tòa án dựa vào đó để giải quyết vụ việc đã bị giả mạo, được kết luận không đúng.

     + Tái thẩm: Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây (Theo Điều 352 BLTTDS 2015)

Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án;

– Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ;

– Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;

– Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ.

     Xét căn cứ thứ ba của kháng nghị tái thẩm có thể nhận thấy rằng trường hợp “Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật”  không được ghi nhận vào một trong các căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm mà vẫn coi đây là căn cứ để kháng nghị tái thẩm. Bởi quy định này nhằm đảm bảo hơn quyền tiếp cận công lý của công dân trong tố tụng dân sự. Trường hợp sai lầm về sự việc của Tòa án do yếu tố ngoại cảnh tác động và trường hợp Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân cố ý làm sai lệch hồ sơ hoặc cố ý kết luận không đúng mà đương sự đã không thể biết được thì quyền khiếu nại của các đương sự đã không thể biết được về các tình tiết mới, tình tiết bị giả mạo hoặc được kết luận không đúng cần phải xác định từ khi họ biết được về các tình tiết, sự kiện đó thay vì kể từ khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực.

3. Về thẩm quyền của Tòa án xét xử:

     + Thẩm quyền của tòa giám đốc thẩm bao gồm không chấp nhận kháng nghị và vẫn giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, Tòa án giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc phúc thẩm lại và hủy bán án, quyết định của Tòa án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án.

     + Hội đồng tái thẩm có các thẩm quyền sau: không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; hủy bán án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục chung do BLTTDS quy định và hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án.

 4. Về thời hạn kháng nghị:

     + Giám đốc thẩm: Quy định tại Điều 334 BLTTDS 2015 về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm như sau:

1. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có quyền kháng nghị trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng có các điều kiện sau đây thì thời hạn kháng nghị được kéo dài thêm 02 năm, kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị:

a) Đương sự đã có đơn đề nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 328 của Bộ luật này và sau khi hết thời hạn kháng nghị quy định tại khoản 1 Điều này đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị;

b) Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 326 của Bộ luật này, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó.”

     + Tái thẩm: Quy định tại Điều 355 BLTTDS 2015 về thời hạn kháng nghị thủ tục tái thẩm là 01 năm kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 – 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .