ĐẤT RỪNG SẢN XUẤT CÓ THẾ CHẤP NGÂN HÀNG ĐƯỢC KHÔNG?
Bên cạnh đất phi nông nghiệp thì diện tích đất nông nghiệp tại Việt Nam chiếm phần tương đối lớn trong đó có đất rừng sản xuất. Hiện nay diện tích rừng sản xuất lớn và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, nhà nước. Đất rừng sản xuất được nhà nước giao cho người sử dụng đất có thu tiền hoặc không thu tiền sử dụng đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu đủ điều kiện. Vậy thì người người sử dụng đất có được quyền thế chấp đất rừng sản xuất như các đất khác không? Thủ tục thực hiện như thế nào? Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, Công ty Luật Sao Sáng xin giới thiệu bài viết “Đất rừng sản xuất có thế chấp ngân hàng được không?
Căn cứ vào mục đích sử dụng, Đất rừng sản xuất thuộc nhóm đất nông nghiệp, được chia làm 02 loại: đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên và đất rừng sản xuất là rừng trồng.
Rừng tự nhiên: Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho tổ chức quản lý rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Rừng trồng: Nhà nước giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất là rừng trồng hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo hạn mức để sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp.
I. Đất rừng sản xuất là gì?
Đất rừng sản xuất là đất được sử dụng để chủ yếu vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc nuôi trồng thủy sản. Đất rừng sản xuất thuộc loại đất nông nghiệp được quy định tại Điểm c, Khoản 1 Điều 10 của Luật đất đai 2013. Đất rừng sản xuất thuộc nhóm đất nông nghiệp nên cần tuân thủ các quy định sử dụng của loại đất này.
Rừng sản xuất hiện nay được phân thành 2 loại sau:
Rừng sản xuất là rừng tự nhiên gồm có: Rừng tự nhiên và rừng được phục hồi bằng biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên
Rừng sản xuất là rừng trồng gồm có: Rừng trồng bằng vốn ngân sách nhà nước, rừng trồng bằng vốn chủ rừng tự đầu tư.
– Đối với đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên được quy định như sau:
Tại Khoản 2 Điều 54 Luật đất đai 2013:
“Điều 54. Giao đất không thu tiền sử dụng đất
Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
2. Người sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa không thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 55 của Luật này;”
Theo đó với đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên thì nhà nước sẽ giao quyền sử dụng và không thu tiền. Ngoài ra quy định tại điều 135 Luật Đất đai 2013 có ghi rõ:
“1. Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho tổ chức quản lý rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
2. Nhà nước giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định sau đây:
a) Giao đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo hạn mức quy định tại điểm b khoản 3 Điều 129 của Luật này để sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp. Đối với diện tích đất rừng sản xuất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng vượt hạn mức thì phải chuyển sang thuê đất;
b) Cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng;
c) Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì được sử dụng diện tích đất chưa có rừng để trồng rừng hoặc trồng cây lâu năm.
3. Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất rừng sản xuất được kết hợp kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái – môi trường dưới tán rừng.
4. Đất rừng sản xuất tập trung ở những nơi xa khu dân cư không thể giao trực tiếp cho hộ gia đình, cá nhân thì được Nhà nước giao cho tổ chức để bảo vệ và phát triển rừng kết hợp với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.”
II. Đất rừng sản xuất có được thế chấp hay không?
Điều 84 Luật lâm nghiệp năm 2017 thì hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ có quyền sau đây:
a) Các quyền của chủ rừng quy định tại Điều 73 Luật Lâm nghiệp năm 2017;
b) Được sở hữu cây trồng, vật nuôi và tài sản khác trên đất trồng rừng sản xuất do chủ rừng đầu tư;
c) Được sở hữu cây trồng xen, vật nuôi và tài sản khác trên đất trồng rừng phòng hộ do chủ rừng đầu tư;
d) Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 55, rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Điều 59 của Luật Lâm nghiệp năm 2017;
đ) Được chia sẻ lợi ích từ rừng trong trường hợp trồng rừng bằng vốn ngân sách nhà nước;
e) Được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê rừng sản xuất là rừng trồng; thế chấp, góp vốn bằng giá trị rừng sản xuất là rừng trồng;
g) Cá nhân được để lại quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, quyền sử dụng rừng cho người thừa kế theo quy định của pháp luật.
Theo đó, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất rừng sản xuất là rừng trồng được quyền thế chấp bằng giá trị rừng.
Đối với với quy định tại Điều 188 Luật đất đai năm 2013 về Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất rừng sản xuất là rừng trồng được thực hiện quyền thế chấp quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.
Như vậy, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất rừng sản xuất là rừng trồng nếu đủ các điều kiện nêu trên thì được thực hiện thế chấp quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.
Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về việc thế chấp quyền sử dụng đất rừng sản xuất. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.