Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LỐI ĐI CHUNG NHƯ THẾ NÀO?

14:38 CH
Thứ Sáu 06/01/2023
 297

Hiện nay, tình trạng tranh chấp lối đi chung giữa các hộ liền kề xảy ra tương đối phổ biến, tuy nhiên nhiều người còn lúng túng không biết giải quyết tranh chấp này thế nào. Bài viết dưới đây của Luật Sao Sáng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tranh chấp lối đi chung và cách giải quyết.

1. Tranh chấp lối đi chung là gì?

Khác với lối đi qua, lối đi chung hiện nay chưa được quy định cụ thể trong văn bản pháp luật nào. Tuy nhiên có thể hiểu lối đi chung là phần diện tích đất được cắt ra để các chủ sử dụng đất sử dụng làm lối đi ra đường giao thông công cộng.

Tranh chấp lối đi chung là cách gọi để chỉ các mâu thuẫn về việc mở lối đi chung hay mâu thuẫn do lấn, chiếm đất giữa các chủ sử dụng đất liền kề. Đây là các tranh chếp thuộc lĩnh vực đất đai nhưng ít ai biết, về bản chất các tranh chấp này vẫn có những điểm khác nhau, do đó cách giải quyết tranh chấp cũng khác nhau.

* Trường hợp tranh chấp về mở lối đi chung:

Lối đi chung được hình thành từ phần diện tích đất do người sử dụng đất phía ngoài tự dành ra hoặc theo thỏa thuận hoặc chuyển nhượng cho người phía trong để có lối ra đường công cộng (giống với lối đi qua).

Hoặc, lối đi chung do các chủ sử dụng đất cắt một phần đất của mình tạo nên, đồng thời lối đi chung tạo thành ranh giới sử dụng đất giữa các thửa đất liền kề (thường gọi là đường đi chung hoặc ngõ đi chung).

Có thể thấy, việc mở lối đi chung là quyền của người sử dụng đất tự dành ra/theo thỏa thuận/chuyển nhượng một phần diện tích đất để làm lối đi chung. Như vậy, đây được coi là tranh chấp dân sự, trường hợp đương sự lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp là khởi kiện thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.

* Trường hợp tranh chấp do lấn, chiếm đất giữa các chủ sử dụng đất liền kề:

Hầu hết các vụ việc xảy ra do hành vi lấn, chiếm đất giữa những người sử dụng đất liền kề trên thực tế là tranh chấp đất đai.

Theo khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013, khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, tranh chấp về lối đi do hành vi lấn, chiếm giữa những người sử dụng đất liền được xác định là tranh chấp đất đai (tranh chấp trong việc xác định ai là người có quyền sử dụng đất).

2. Giải quyết tranh chấp lối đi chung như thế nào?

Cách giải quyết tranh chấp lối đi chung đối với các trường hợp tranh chấp đất đai và tranh chấp liên quan đến đất đai là khác nhau. Cụ thể cách giải quyết tranh chấp lối đi chung như sau:

- Hòa giải tranh chấp đất đai:

* Tự hòa giải hoặc thông qua hòa giải ở cơ sở

Tại khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai 2013 quy định:

“Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở”

Đây là cách thức giải quyết được Nhà nước khuyến khích nhưng kết quả giải quyết không bắt buộc các bên phải thực hiện mà phụ thuộc vào sự thiện chí của các bên.

* Bắt buộc hòa giải tại UBND cấp xã

Tại khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013 quy định:

“Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải”

Theo các quy định nêu trên, nếu các bên tranh chấp không hòa giải được nhưng muốn giải quyết tranh chấp thì phải gửi đơn đến UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất để hòa giải; nếu không hòa giải sẽ không được khởi kiện hoặc gửi đơn đề nghị UBND cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết.

- Đề nghị UBND cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết

Theo khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013, tranh chấp mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết:

+ Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền (nếu tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân với nhau thì nộp tại UBND cấp huyện).

Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính.

+ Khởi kiện tại Tòa án nơi có đất tranh chấp theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

- Khởi kiện tại Tòa án nhân dân

Căn cứ khoản 1, 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013, các tranh sau đây thì đương sự được khởi kiện tại Tòa án nhân dân gồm:

+ Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai.

+ Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai. Theo đó, để được khởi kiện tranh chấp đất đai phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Người khởi kiện có quyền khởi kiện.
  • Tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo loại việc.
  • Tranh chấp chưa được giải quyết.
  • Tranh chấp đã được hòa giải tại UBND cấp xã.

Trên đây là nội dung Luật Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về nội dung giải quyết tranh chấp lối đi chung như thế nào? Chúng tôi hy vọng bạn đọc có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề nào còn thắc mắc hoặc cần được hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.653.636 – 0986.864.314 để được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .