Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

HÀNH VI HỦY HOẠI TÀI SẢN TRÊN ĐẤT TRANH CHẤP BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

16:28 CH
Thứ Năm 07/11/2024
 48

Anh B có câu hỏi gửi về Công ty Luật TNHH Sao Sáng như sau:

Tôi đang tranh chấp với hàng xóm (anh A) về phần đất giữa hai nhà. Trên phần đất đang tranh chấp có một bức tường rào và một số cây trồng của A. Tuy nhiên, khi tòa đang trong quá trình thụ lý giải quyết thì anh A đã có hành vi thách thức nên trong lúc nóng giận tôi đã đập phá tường rào của anh A. Vậy cho tôi hỏi, hành vi của tôi có vi phạm pháp luật hay không và sẽ bị xử lý như thế nào?

Bài viết dưới đây, Luật Sao Sáng sẽ giải đáp thắc mắc của anh B cũng như giúp bạn đọc hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về vấn đề này.

1. Hành vi hủy hoại tài sản là gì?

Thời gian gần đây, chỉ vì những mâu thuẫn, tranh chấp trong cuộc sống mà nhiều người đã bất chấp quy định pháp luật có hành vi hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác. Điều này không chỉ gây ra nhiều hệ lụy, mất mát, hư hỏng tài sản của bị hại mà người có hành vi phạm pháp phải vướng vòng lao lý với mức án nghiêm khắc.

Hủy hoại tài sản trên đất bị tranh chấp là hành vi phá hủy, làm hư hại hoặc gây thiệt hại cho tài sản nằm trên một mảnh đất đang có tranh chấp về quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng.

Hành vi hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là hành vi xâm phạm quyền sở hữu của người khác. Hành vi này không chỉ làm tăng mức độ nghiêm trọng mâu thuẫn giữa đôi bên mà người vi phạm còn bị pháp luật xử lý nghiêm.

2. Hình phạt hành vi hủy hoại tài sản trên đất bị tranh chấp

Hành vi hủy hoại tài sản trên đất đang bị tranh chấp có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù tùy theo mức độ của hành vi phá hoại và giá trị của tài sản đó.

2.1. Xử phạt vi phạm hành chính

Người nào phá hoại tài sản trên đất tranh chấp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính do có hành vi vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân được quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Cụ thể:

- Hình phạt chính (điểm a khoản 2 Điều 15): Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này.

- Hình phạt bổ sung (điểm a khoản 3 Điều 15): Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 và các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều này.

- Biện pháp khắc phục hậu quả (điểm c khoản 4 Điều 15): Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

Như vậy, hành vi nêu trên sẽ bị phạt tiền từ 03 triệu đến 05 triệu đồng và có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, đồng thời phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu của tài sản.

Hành vi hủy hoại tài sản trên đất tranh chấp bị xử phạt thế nào?

2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự

Trường hợp tài sản bị thiệt hại từ 02 triệu đồng trở lên hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc vào các trường hợp đặc biệt theo quy định tại Khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 thì sẽ bị xử lý hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như sau:

“Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

c) Tài sản là bảo vật quốc gia;

d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Để che giấu tội phạm khác;

e) Vì lý do công vụ của người bị hại;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Có thể thấy, chỉ cần một phút bốc đồng mà hủy hoại tài sản trên đất đang tranh chấp cũng đã có thể bị truy cứu hình sự. Thiệt hại gây ra cho tài sản càng nhiều thì mức phạt càng nặng, nặng nhất có thể lên đến 20 năm tù đối với tài sản bị thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên.

3. Hủy hoại tài sản trên đất bị tranh chấp trong trạng thái bị thách thức thì bị xử lý thế nào?

Xét trong tình huống của anh B, do giữa anh A và anh B có tranh chấp đất cộng thêm việc bị thách thức nên dẫn đến việc anh B đập phá tường rào của anh A. Trong trường hợp này, cần lưu ý là ngay cả khi đất đang tranh chấp chưa xác định thuộc về ai nhưng một trong các bên tranh chấp hủy hoại tài sản trên đất thuộc sở hữu của bên còn lại thì vẫn phải xem xét xử lý hành vi hủy hoại tài sản. Đây là vấn đề đã được TAND Tối cao hướng dẫn rất rõ tại Thông báo kết quả giải quyết trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử số 196/TANDTC- PC ngày 3/10/2023.

Ngoài ra, trạng thái bị thách thức là khi người phạm tội bị người khác khiêu khích, kích động dẫn đến mất bình tĩnh và có hành vi hủy hoại tài sản. Tuy nhiên, trạng thái bị thách thức không phải là một trong các căn cứ được miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 và cũng không thuộc các trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự theo các Điều 20, 21, 22, 23, 24, 25 và 26 Bộ luật Hình sự 2015.

Do đó, dù người thực hiện hành vi vi phạm có đang trong trạng thái bị thách thức thì vẫn bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự như bình thường.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp ý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .