Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Kiện đòi sổ đỏ khi bị người khác chiếm giữ

9:09 SA
Thứ Bảy 10/09/2022
 1578

          Vì nhiều lý do khác nhau, nhiều người đang bị người khác chiếm giữ sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất) gây ra nhiều khó khăn khi người có đất muốn thực hiện các quyền đối với mảnh đất của chính mình.

          Vậy hành vi chiếm giữ sổ đỏ có cấu thành tội phạm hay không? Khi vướng phải tình huống này người bị người khác chiếm giữ sổ đỏ cần phải làm gì? Có thể kiện đòi sổ đỏ hay không?  Với những thắc mắc nêu trên, dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành, BSL xin được giải đáp như sau:

Hành vi chiếm giữ, cố tình không trả lại sổ đỏ không cấu thành tội Chiếm giữ trái phép tài sản.

          Hiện nay Bộ luật dân sự 2015 không quy định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hay còn được gọi là sổ đỏ hoặc sổ hồng là tài sản.

Theo Điều 105 Bộ luật này, tài sản bao gồm:  

          “Điều 105. Tài sản

          1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

          2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”

          Theo quy định trên nhiều người sẽ lầm tưởng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy tờ có giá. Tuy nhiên Theo Khoản 8, Điều 6, Luật ngân hàng nhà nước Việt Nam 2010: “Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác"

          Hơn nữa theo Khoản 16 Điều 3 Luật đất đai 2013 quy định: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất"

          Như vậy, từ những quy định nêu trên, chúng ta có thể thấy pháp luật hiện hành không quy định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là tài sản, cho nên hành vi chiếm giữ, cố tình không trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không cấu thành tội Chiếm giữ trái phép tài sản tại Điều 176 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017.

Nếu sổ đỏ bị chiếm giữ, có thể báo mất và làm lại

          Trường hợp sổ đỏ bị chiếm giữ thì chủ sở hữu có thể đến cơ quan Nhà nước báo mất và làm lại sổ đỏ khác theo quy định pháp luật.

          Cụ thể là tại Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, có quy định về cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất.

- Hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn.

Tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đăng tin mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.

- Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc kể từ ngày đăng tin lần đầu trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương đối với trường hợp của tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người bị mất Giấy chứng nhận nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận.

- Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo địa chính thửa đất; lập hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 37 của Nghị định này ký quyết định hủy Giấy chứng nhận bị mất, đồng thời ký cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

Có thể khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết

          Trong trường hợp sổ đỏ bị người khác cầm giữ không trả lại khi người có tên trên sổ đỏ hoặc người có quyền sử dụng đất, kế thừa quyền sử dụng đất, công trình trên đất yêu cầu thì có thể khởi kiện tại tòa án nhân dân để yêu cầu giải quyết hay không?

          Khoản 1 Điều 14 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân.Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài.Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong trường hợp luật quy định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án.”

          Đồng thờiĐiều 164 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”

          Ngoài ra theo hướng dẫn tại Công văn số 02/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao ngày 02/8/2021: “nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người chiếm giữ trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chấm dứt hành vi cản trở thực hiện quyền của người sử dụng đất thì Tòa án nhân dân sẽ thụ lý giải quyết theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự”. 

          Như vậy mặc dù sổ đỏ không phải là tài sản theo phân tích ở phần đầu bài viết nhưng việc người khác chiếm giữ không chịu trả lại gây ảnh hưởng, cản trở việc thực hiện quyền của người đứng tên trên sổ đỏ, người có quyền sử dụng đất, kế thừa quyền sử dụng đất, công trình trên đất. Do vậy người có tên trên sổ đỏ hoặc người có quyền sử dụng đất, kế thừa quyền sử dụng đất, công trình trên đất có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc người đang chiếm giữ trả lại sổ đỏ.

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .