Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Tách thửa xong mới được chuyển nhượng đúng không?

14:51 CH
Thứ Năm 10/10/2024
 175

Tách thửa được hiểu là việc phân chia quyền sử dụng đất từ người đứng tên trong sổ đỏ cho một hoặc nhiều người khác. Đây là quy trình phân quyền sở hữu đất từ một người đứng tên, chịu trách nhiệm sang cho một hoặc nhiều đối tượng khác nhau

Theo quy định tại Luật Đất đai 2013 người sử dụng đất được thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

– Có Giấy chứng nhận;

– Đất không có tranh chấp;

– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thực hiện thi hành án;

– Trong thời hạn sử dụng đất.

Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và được ghi nhận từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được thực hiện thông qua hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản thì được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên.

Theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, trường hợp thực hiện quyền chuyển nhượng với một phần thửa đất thì người sử dụng đất đề nghị văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đo đạc tách thửa đối với phần diện tích cần chuyển nhượng trước khi chuyển nhượng cho người khác.

Theo Khoản 11 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hồ sơ đề nghị tách thửa đất bao gồm:

  • Đơn đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa theo Mẫu 11/ĐK.

  • Bản gốc giấy chứng nhận đã cấp.

Đối với trường hợp thực hiện thủ tục mà có thay đổi số Giấy chứng minh nhân dân, số thẻ Căn cước công dân, địa chỉ trên Giấy chứng nhận đã cấp thì người sử dụng đất nộp thêm bản sao Giấy chứng minh nhân dân mới hoặc Giấy chứng minh quân đội mới hoặc thẻ Căn cước công dân mới hoặc sổ hộ khẩu, giấy tờ khác chứng minh thay đổi nhân thân.

Về trình tự thực hiện thủ tục tách thửa:

– Bước 1: Nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường. Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nếu có nhu cầu.

– Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

– Bước 3: Xử lý yêu cầu tách thửa. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm thực hiện:

+ Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất.

+ Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa.

+ Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi UBND cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

Sau khi tách thửa, người dân thực hiện thủ tục chuyển nhượng theo các bước sau:

– Bước 1: Đặt cọc (không bắt buộc)

– Bước 2: Công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

– Bước 3: Kê khai thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ.

– Bước 4: Thực hiện thủ tục sang tên quyền sử dụng đất (sang tên sổ đỏ). Hồ sơ cần chuẩn bị gồm có bản gốc giấy chứng nhận đã cấp, hợp đồng chuyển nhượng đã được công chứng. Ngoài ra, phải có sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước.

Về chi phí phải nộp khi sang tên sổ đỏ gồm có:

– Thuế thu nhập cá nhân: Thuế phải nộp bằng 2% giá trị chuyển nhượng.

– Lệ phí trước bạ: Lệ phí trước bạ phải nộp bằng 0.5% giá trị chuyển nhượng.

– Lệ phí địa chính (mức thu do HĐND cấp tỉnh quyết định).

Thuế và lệ phí chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Người sử dụng đất cần phải nộp các khoản tiền sau đây khi tiền hành chuyển nhượng quyền sử dụng đất:

Thuế thu nhập cá nhân

Thuế thu nhập cá nhân do bên bán chịu do có thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Thuế thu nhập cá nhân này được xác định như sau:

Thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất = 2% x Giá chuyển nhượng.

Ngoài ra, nếu trong trường hợp giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất có sự xuất hiện của các bên môi giới, được ủy quyền, các bên này chịu thuế thu nhập cá nhân do có thu nhập phát sinh.

Các loại lệ phí khác

Một số khoản lệ phí khác cần lưu ý như:

– Lệ phí địa chính: 15.000 đồng.

– Lệ phí thẩm định: 0.15% giá trị chuyển nhượng, tối thiểu là 100.000 đồng và tối đa là 5.000.000 đồng.

Không sang tên Sổ đỏ khi chuyển nhượng bị phạt bao nhiêu?

Theo khoản 4 Điều 5 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, trường hợp chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất mà không đăng ký biến động đất đai thì người bị xử phạt là bên nhận chuyển quyền sử dụng đất (người mua, người được tặng cho).

Căn cứ khoản 2 Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, khi chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất mà không thực hiện đăng ký biến động bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

– Tại khu vực nông thôn:

+ Phạt tiền từ 01 – 03 triệu đồng nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn mà không thực hiện đăng ký biến động.

+ Phạt tiền từ 02 – 05 triệu đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn mà không thực hiện đăng ký biến động.

– Tại khu vực đô thị: Mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với từng trường hợp tương ứng tại khu vực nông thôn (cao nhất là 10 triệu đồng/lần vi phạm).

Mức phạt đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân. Theo đó, mức phạt đối với tổ chức tại khu vực đô thị là 20 triệu đồng.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn !

 

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .