Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính
Ngày 20/6/2012, Quốc hội ban hành Luật xử lý vi phạm hành chính, việc ban hành Luật đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính. Luật đã quy định những nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong quy trình xử phạt vi phạm hành chính. Để hiểu rõ hơn về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, chúng ta nghiên cứu các nội dung dưới đây:
1. Các chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Vi phạm hành chính thường xảy ra phổ biến ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Để phản ứng mau lẹ với các vi phạm, loại trừ và phòng ngừa chúng, để bảo vệ trật tự, kỷ cương trong quản lý hành chính nhà nước, bảo vệ quyền tự do và lợi ích hợp pháp của công dân, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định nhiều cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, theo đó có hơn 180 chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm:
-
Người có thẩm quyền trong cơ quan có thẩm quyền quản lý chung (Ủy ban nhân dân các cấp): Có 03 chức danh có thẩm quyền xử phạt là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, huyện, tỉnh.
-
Người có thẩm quyền trong lực lượng Công an nhân dân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, kiểm lâm, cơ quan thuế, quản lý thị trường, thanh tra nhà nước chuyên ngành, cảng vụ hàng hải, cảng vụ hàng không, cảng vụ đường thủy nội địa.
-
Người có thẩm quyền trong Tòa án nhân dân các cấp và cơ quan thi hành án dân sự.
-
Người có thẩm quyền trong Cục Quản lý lao động ngoài nước.
-
Người có thẩm quyền trong cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
So với pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trước đây, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã bổ sung thêm một số cơ quan và người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính mới. Luật trao cho Thủ trưởng của một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp Trung ương quyền xử lý vi phạm hành chính khi cần thiết để tránh việc “chuyển vi phạm xuống dưới xử lý”, làm chậm trễ và trì trệ hoạt động này. Đây cũng là sự tất yếu của thực hiện phân quyền trong quản lý hành chính nhà nước.
Luật xử lý vi phạm hành chính tăng thẩm quyền xử phạt của các chức danh cơ sở để bảo đảm hiệu quả của công tác xử phạt vi phạm hành chính. Đây là cấp trực tiếp phát hiện, thụ lý phần lớn các vụ việc vi phạm hành chính. Cơ chế này nhằm nâng cao sự chủ động của các chức danh có thẩm quyền xử phạt ở cấp cơ sở, góp phần nâng cao tính kịp thời, thiết thực, hiệu quả của việc xử phạt vi phạm hành chính.
Vi phạm hành chính xảy ra nhiều trong thực tế, đa dạng, ở mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi cấp quản lý, cho nên việc quy định cho nhiều chủ thể có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính là cần thiết để việc xử lý vi phạm hành chính được nhanh chóng, kịp thời. Nhưng danh mục các chủ thể có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính cũng không thể mở rộng không giới hạn, vì điều đó sẽ gây rối loạn, dễ dẫn đến vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật.
2. Nguyên tắc phân định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính
Việc quy định nhiều cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nhằm để giải quyết nhanh chóng, kịp thời mọi vi phạm hành chính xảy ra trong tất cả các ngành, lĩnh vực, mọi cấp quản lý hành chính nhà nước. Tuy nhiên, sự đa dạng của các chủ thể có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đòi hỏi sự phân định rạch ròi thẩm quyền xử lý của mỗi chủ thể, định rõ người chịu trách nhiệm xử lý của mỗi chủ thể, định rõ người chịu trách nhiệm xử lý vi phạm hành chính trong các trường hợp cụ thể để tránh chồng chéo, bảo đảm kỷ luật pháp luật của Nhà nước. Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã điều chỉnh về vấn đề này mang tính nguyên tắc như sau:
Điều 52 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về nguyên tắc xác định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương. Người có thẩm quyền ở lĩnh vực quản lý nào thì xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực, ngành mình quản lý (thuế, hải quan, môi trường,...). Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt do người thụ lý đầu tiên thực hiện.
Điều 54 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính, theo đó những người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có thể giao quyền cho cấp phó của mình. Việc giao quyền phải thực hiện bằng văn bản và người được giao quyền phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền cho bất kỳ người nào khác.
Công ty Luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến mọi lĩnh vực, để tư vấn cho Quý khách hàng có những phương hướng tối ưu và hiệu quả. Trân trọng Kính chào!