Cấm không được kết hôn khi nào?
Pháp luật quy định các trường họp cấm kết hôn là nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng; giữ gìn thuần phong mỹ tục của người Việt Nam đối với đời sống hôn nhân và gia đình, góp phần duy trì và bảo tồn nòi giống, thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật HNGĐ 2014, việc kết hôn bị cấm trong các trường hợp sau:
+ Cấm kết hôn giả tạo:
Quy định điều cấm thể hiện rõ thái độ của Nhà nước ta trong việc bảo vệ quyền tự do kết hôn của cá nhân, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc.
+ Cấm kết hôn đối với người đang có vợ, có chồng hoặc cấm người chưa có vợ, có chồng kết hôn với người đang có vợ, có chồng.
Người đang có vợ, có chồng là người đang tồn tại một quan hệ hôn nhân được Nhà nước thừa nhận. Theo quy định của Luật HNGĐ 2014, các trường họp được coi là đang có vợ, có chồng bao gồm:
- Người đã kết hôn theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và quan hệ hôn nhân đó vẫn đang tồn tại (chưa chấm dứt hôn nhân do sự kiện ly hôn, hoặc một bên chết hay một bên có quyết định của Tòa án tuyên bố là đã chết);
- Người sống chung với người khác như vợ chồng từ trước ngày 3/01/1987 và đang chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Theo quy định tại Điều 131 Luật HNGĐ 2014: “Quan hệ hôn nhãn và gia đình được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết”. Theo Luật HNGĐ năm 2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này thì đối với trường họp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 3/01/1987 không đăng ký kết hôn nhưng tuân thủ các điều kiện kết hôn thì vẫn được thừa nhận là vợ chồng.
Như vậy, chỉ những người chưa có vợ, có chồng hoặc đã có vợ, có chồng nhưng hôn nhân trước đã chấm dứt thì mới được phép kết hôn. Nếu người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác hoặc người chưa có vợ, có chồng mà kết hôn với người đang có vợ hoặc có chồng thì việc kết hôn đó là trái pháp luật. Quy định điều cấm này nhằm bảo vệ nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng, góp phần xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc. Quy định điều cấm này còn góp phần xóa bỏ chế độ đa thê, giải phóng và nâng cao vị thế của người phụ nữ trong xã hội.
Quy định về cấm kết hôn đối với người đang có vợ, có chồng được dự liệu từ rất sớm, ngay từ đạo luật đầu tiên về hôn nhân và gia đình của Nhà nước ta năm 1959 đã ghi nhận. Từ đó đến nay, trong các văn bản pháp luật về hôn nhân và gia đình qua các thời kỳ, điều cấm này luôn luôn là một quy định buộc người kết hôn phải tuân thủ. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy tình trạng vi phạm điều cấm vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước và ngày một có diễn biến phức tạp hơn. Điều đáng lo ngại là tình trạng vi phạm ngày một tinh vi hơn, làm ảnh hưởng đáng kể đến quyền lợi của những người có quyền lợi liên quan cũng như tác động không tốt đến đời sống hôn nhân và gia đình. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng một trong những nguyên nhân đáng kể làm cho tình trạng vi phạm ngày một gia tăng đó chính là việc xử lý tình trạng vi phạm chưa nghiêm minh cho nên việc phòng ngừa vi phạm kém hiệu quả.
Do vậy, để nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng được bảo đảm thì cần phải làm tốt hơn nữa việc kiểm tra các quy định về điều kiện kết hôn thông qua thủ tục đăng ký kết hôn và xử lý nghiêm minh các trường họp vi phạm.
+ Cấm kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.
- Những người có cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau (Xem khoản 17 Điểu 3 Luật HNGĐ năm 2014). Ví dụ như cha mẹ với con, ông bà với các cháu.
- Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba. Vì vậy, cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời được xác định cụ thể như sau: cấm kết hôn giữa anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; cấm kết hôn giữa bác ruột, chú ruột, cậu ruột với các cháu gái, bác ruột, cô ruột, dì ruột với các cháu trai và cấm kết hôn giữa anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì với nhau.
Việc cấm kết hôn giữa những người có mối liên hệ huyết thống trong phạm vi trên là hoàn toàn phù hợp. Quy định này góp phần duy trì và bảo tồn nòi giống, giúp gia đình thực hiện tốt chức năng sinh đẻ, nhằm thúc đậy sự phát triển của xã hội. Bởi vì, dựa trên kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực y học, các nhà khoa học đã chỉ rõ, việc kết hôn gần gũi về huyết thống trong phạm vi trực hệ hoặc ba đời sẽ để lại nhiều di chứng cho thế hệ đời sau. Thế hệ con cái của những cuộc hôn nhân này thường hay mắc các bệnh về nhiễm sắc thể, tỷ lệ tử vong sau sinh cao. Điều này là nguyên nhân làm suy giảm giống nòi, ảnh hưởng đến chất lượng dân số.
Thực tế cho thấy ở Việt Nam hiện nay, việc kết hôn giữa những người có quan hệ gần gũi về huyết thống trong phạm vi luật cấm vẫn còn tiếp diễn ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đáng báo động là tình trạng trên không được ngăn chặn có thể đe dọa dẫn đến sự diệt vong của một số dân tộc hiện đang có số dân dưới 1.000 người. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là do các hủ tục lạc hậu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Vì thế, để giảm thiểu tình trạng này cần phải phát huy tốt hơn nữa việc xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu đối với đời sống hôn nhân và gia đình.
+ Cấm kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Ngoài việc cấm kết hôn giữa những người có quan hệ huyết thống trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời, Luật HNGĐ năm 2014 còn cấm kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng. Trái lại với quan điểm cho rằng, việc quy định điều cấm này là không cần thiết. Do đó, ngay cả khi giữa những người có mối liên hệ trực hệ không gắn kết bởi tính huyết thống vẫn bị cấm kết hôn. Đây là quy định điều cấm phù hợp với đạo đức, văn hóa của người Việt Nam. Do vậy, quy định điều cấm góp phần bảo vệ những nét đẹp mang giá trị văn hóa, truyền thống của người Việt Nam đối với đời sống , hôn nhân và gia đình, đồng thời góp phần ổn định các quan hệ hôn nhân và gia đình.
Công ty Luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến vấn đề hôn nhân nói chung và đăng ký kết hôn nói riêng của Quý khách hàng.
Trân trọng Kính chào!