BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA CON SAU KHI CHA MẸ LY HÔN
Ly hôn là một hiện tượng xã hội tương đối phức tạp. Khi các cặp đôi đến với nhau, họ thường nghĩ sẽ sống với nhau cả đời. Tuy nhiên, khi có mâu thuẫn, xung đột trong tình cảm, tài chính hay một vấn đề nào đó khiến cuộc hôn nhân không hạnh phúc thì ly hôn là hệ quả tất yếu. Việc chấm dứt hôn nhân này không những để lại những hệ lụy to lớn cho cặp vợ chồng ly hôn mà đằng sau bản án hay quyết định ly hôn của Tòa án đó là số phận của những đứa con - đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi cuộc hôn nhân của cha mẹ đổ vỡ. Vì những lẽ đó, có một hành lang pháp lý an toànvà cơ chế thực thi pháp luật hiệu quản nhằm bảo vệ tối ưu quyền lợi của con sau khi cha mẹ ly hôn là hết sức cần thiết, nhất là những năm gần đây, khi tình trạng ly hôn ngày một tăng cao. Dưới đây là một vài khía cạnh pháp lý bảo vệ quyền lợi của con sau khi cha mẹ ly hôn:
Thứ nhất, bảo vệ quyền được nuôi dưỡng của con thông qua cơ chế thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Quyền lợi về mọi mặt của con là nguyên tắc mấu chốt, là cơ sở để Tòa án ra phán quyết về người trực tiếp nuôi con sau khi cha mẹ ly hôn. Quyền lợi của con, nghĩa vụ của cha mẹ không chỉ được xác định tại thời điểm cha mẹ ly hôn mà đó là cả quá trình cho đến khi con thành niên, có khả năng lao động và có tài sản để tự nuôi mình. Do đó, sau khi Tòa án ra phán quyết giao con cho một người trực tiếp nuôi dưỡng mà người này không đáp ứng được các điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì việc thay đổi người trực tiếp nuôi con nhằm bảo vệ quyền lợi về mọi mặt của con là hệ quả tất yếu.Theo quy định tại khoản 2 Điều 84 Luật HNGĐ năm 2014, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong hai căn cứ sau đây:
i) Thay đổi người trực tiếp nuôi con theo sự thỏa thuận của cha, mẹphù hợp với lợi ích của con;
ii) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Tương tự xác định người trực tiếp nuôi con, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con cũng phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên. Ngoài ra, nếu xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộtheo quy định của BLDS .
Theo quy định tại khoản 5 Điều 84 Luật HNGĐ năm 2014 đã bổ sung các chủ thể có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con trên cơ sở lợi ích vềmọi mặt của con. Cụ thể, những cá nhân, tổ chức đó bao gồm người thân thích, Cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình, Cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ. Việc bổ sung quy định này là cần thiết để đảm bảo cho con cuộc sống tốt nhất sau khi cha mẹ ly hôn.Trên thực tế, thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi cha mẹ ly hôn là các tranh chấp hoặc yêu cầu về hôn nhân và gia đình được Tòa án thụ lý và giải quyết tương đối phổ biến.
Thứ hai, bảo vệ quyền được cấp dưỡng của con thông qua cơ chế xác định nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
Bên cạnh việc xác định người trực tiếp nuôi con sau khi cha mẹ ly hôn, xác định nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con cũng là một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi con chung. Sau khi cha mẹ ly hôn, Tòa án raquyết định giao con cho cha hoặc mẹ (hoặc người thân thích khác của con khi có căn cứ) trực tiếp nuôi dưỡng. Điều này không đồng nghĩa với việc người không trực tiếp nuôi con sẽ không còn bất cứ nghĩa vụ gì đối với con, bởi vì chăm lo đời sống cho con là trách nhiệm của cha và mẹ, không phụ thuộc vào cha mẹ có quan hệ hôn nhân hay đã chấm dứt hôn nhân, do đó họ vẫn phải chung tay cùng người trực tiếp nuôi con chăm lo, đảm bảo mọi mặt đời sống cho con. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của con sau khi cha mẹl y hôn, khoản 2 Điều 82 Luật HNGĐ năm 2014 quy định “cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”.Cấp dưỡng được hiểu là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu.Về nguyên tắc, nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ sẽ phát sinh khi họ không sống chung với con trong trường hợp con chưa thành niên, con đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tựnuôi mình. Quy định này được cụ thể hóa tại Điều 110 Luật HNGĐ năm 2014, theo đó “cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khảnăng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”. Khi xác định nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con của người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, Tòa án cần giải quyết các vấn đề về mức cấp dưỡng, phương thức cấp dưỡng, thời điểm bắt đầu và thời điểm chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng của người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
Thứ ba, bảo vệ quyền được nuôi dưỡng, cấp dưỡng của con thông qua cơ chế xác định trách nhiệm dân sự của người không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng con
Để bảo vệ quyền được cấp dưỡng của con nói riêng, giữa các thành viên trong gia đình nói chung, pháp luật xác định nghĩa vụ cấp dưỡng phát sinh cả trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng sống chung với người được cấp dưỡng. Cụ thể, khoản 2 Điều 107 Luật HNGĐ năm 2014 quy định trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 Luật HNGĐ năm 2014, Tòa án có quyền buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này. Nhằm bảo vệ quyền được cấp dưỡng của con sau khi cha mẹ ly hôn, Điều 119 Luật HNGĐ năm 2014 quy định khá cụ thể những chủ thể có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ cấp dưỡng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.Theo đó,cha, mẹ hoặc người giám hộ của con, hoặc những cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại khoản 2 Điều 119 Luật HNGĐ năm 2014 bao gồm người thân thích, Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ là những chủ thể có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ cấp dưỡng thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật và những cơ quan này có thể yêu cầu Toà án buộc người không tự nguyện thực hiện nghũa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.