Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Chế độ tài sản chung của vợ chồng theo luật định

15:59 CH
Thứ Năm 10/06/2021
 1208

Luật hôn nhân và gia đình 2014 có qui định hai cách thức xác lập chế độ tài sản vợ chồng là vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận. Trong trường hợp vợ chồng không lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận hoặc có lựa chọn nhưng thỏa thuận của họ bị Tòa án tuyên vô hiệu thì chế độ tài sản của họ theo quy định của pháp luật còn gọi là chế độ tài sản luật định. Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định vợ và chồng có tài sản chung hợp nhất và vợ chồng có tài sản riêng.

Xác định tài sản chung của vợ chồng

Theo quy định tại điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và nghị định 126/2014/NĐ-CP thì tài sản chung hợp nhất của vợ chồng gồm:

  • Tài sản do vợ, chồng tạo ra trong thời kì hôn nhân.
  • Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi bên vợ hoặc chồng trong thời kì hôn nhân gồm tiền lương, tiền công do lao động, lợi nhuận trong kinh doanh.
  • Hoa lợi và lợi tức từ tài sản riêng của vợ, chồng trong thời kì hôn nhân.
  • Tài sản vợ chồng được thừa kế chung, tặng cho chung trong thời kì hôn nhân.
  • Tài sản riêng mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
  • Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của một bên thì tài sản đó được xác định là tài sản chung của vợ chồng.
  • Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân trừ trường hợp được thừa kế riêng, tặng cho riêng, hoặc có được thông qua giao dịch từ tài sản riêng.
  • Thu nhập hợp pháp khác gồm: Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp, trừ khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng; tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước (điều 9 nghị định 126/2014/NĐ-CP).

Như vậy, để xác định tài sản chung của vợ chồng trước tiên phải dựa vào nguồn gốc tạo ra tài sản. Tài sản chung cơ bản, chủ yếu và quan trọng trong thời kì hôn nhân của vợ chồng là tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình, đảm bảo duy trì cuộc sống gia đình bởi bản chất của cuộc sống chung giữa vợ và chồng là cùng chung vai gánh vác công việc gia đình, tạo ra tài sản để đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu của gia đình. Tài sản chung của vợ chồng không nhất thiết phải là tài sản do cả hai vợ chồng cùng tạo ra trong thời kì hôn nhân mà chỉ cần vợ hoặc chồng tạo ra trong thời kì hôn nhân cũng sẽ là tài sản chung không phân định công sức đóng góp nhiều hay ít dù là tài sản của chồng hay của vợ tạo ra trong thời kì hôn nhân thì đều là tài sản chung và người vợ, chồng không tạo ra tài sản cũng có quyền và nghĩa vụ đối với tài sản chung như người tạo ra tài sản.

Tài sản chung của vợ chồng còn được xác định thêm từ nguồn thu nhập hợp pháp khác và các tài sản được thừa kế chung, tặng cho chung. Tài sản được thừa kế, tặng cho trong thời kì hôn nhân chỉ được xác định là tài sản chung khi người để thừa kế, người tặng cho tuyên bố là cho chung vợ chồng, nếu chỉ cho vợ hoặc chồng thì không được xác định là tài sản chung dù là được nhận trong thời kì hôn nhân. Tài sản được thừa kế chung, tặng cho chung trong thời kì hôn nhân thường không nhiều nhưng nó thể hiện được tấm lòng và tình cảm của người cho tài sản phần nào giúp cho vợ chồng tích lũy thêm tài sản chung trong thời kì hôn nhân.

Phần tài sản riêng của vợ, chồng như tài sản có trước thời kì hôn nhân, tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng, tài sản có được thông qua giao dịch từ tài sản riêng chỉ trở thành tài sản chung trong thời kì hôn nhân nếu vợ chồng có thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung. Sau khi nhập tài sản riêng vào tài sản chung thì những nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác (điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình 2014). Riêng đối với phần hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng trong thời kì hôn nhân sẽ mặc nhiên là tài sản chung. Hoa lợi phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là sản vật tự nhiên mà vợ, chồng có được từ tài sản riêng của mình. Lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là khoản lợi mà vợ, chồng thu được từ việc khai thác tài sản riêng của mình.

Tài sản chung của vợ chồng còn bao gồm quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được trong thời kì hôn nhân. Đây là loại tài sản có nét đặc trưng riêng và thường có giá trị lớn, thường là “của để dành” của vợ chồng nên để tránh những tranh chấp phức tạp xảy ra về quyền sử dụng đất, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã khẳng định quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được trong thời kì hôn nhân là tài sản chung. Nếu quyền sử dụng đất này vợ, chồng có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng trong thời kì hôn nhân nhưng khi có tranh chấp xảy ra không có chứng cứ chứng minh được điều đó thì quyền sử dụng đất này cũng được xác định là tài sản chung của vợ chồng.

Đối với những tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Đây là căn cứ pháp lý xác định tài sản chung của vợ chồng khi có tranh chấp xảy ra. Trường hợp trong giấy chứng nhận chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch liên quan đến tài sản này được thực hiện theo những quy định về đại diện giữa vợ và chồng, nếu có tranh chấp về tài sản này thì người có tên trong giấy chứng nhận phải có chứng cứ chứng minh đó là tài sản riêng nếu không chứng minh được thì tài sản có tranh chấp được xác định là tài sản chung (điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).

Việc xác định tài sản chung có vai trò vô cùng quan trọng trong mỗi gia đình, là cơ sở vật chất, điều kiện để đảm bảo vợ chồng thực hiện các quyền và nghĩa vụ chung, là điều kiện để duy trì, phát triển cuộc sống gia đình.

Quyền của vợ chồng đối với tài sản chung

Vợ chồng bình đẳng với nhau trong việc tạo lập, xây dựng, phát triển, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Đã là tài sản chung thì vợ chồng cũng đều có quyền và nghĩa vụ như nhau cho dù có phải là người tạo ra của cải hay không. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng (khoản 2 điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014). Do vậy, trong việc duy trì và phát triển khối tài sản chung không cần căn cứ vào công sức đóng góp, trong những trường hợp vì lý do nào đó mà có thể vợ hoặc chồng không trực tiếp tạo ra tài sản mà chỉ lao động trong gia đình như nội trợ, chăm sóc con, … thì quyền của họ đối với tài sản chung vẫn ngang bằng với người trực tiếp tạo ra tài sản.

Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Trong trường hợp vợ chồng ủy quyền cho nhau thì người được ủy quyền có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung trong phạm vi được ủy quyền. Vợ chồng có thể cùng thỏa thuận ủy quyền cho người thứ ba theo quy định của pháp luật dân sự. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản và có chữ ký của cả vợ và chồng.

Quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ, quản lý, bảo vệ tài sản chung. Vợ chồng bình đẳng với nhau trong quyền chiếm hữu tài sản chung, cùng nhau quản lý, bảo vệ tài sản.

Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Trên nguyên tắc bình đẳng, việc sử dụng tài sản chung để đầu tư, kinh doanh phải được vợ chồng thỏa thuận. Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản (điều 36 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).

Quyền định đoạt là quyền chuyển giao hoặc từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản đó. Việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của vợ chồng là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình thì phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng. Đối với những giao dịch dân sự có liên quan đến tài sản chung có giá trị không lớn hoặc để phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của gia đình thì chỉ cần một bên vợ hoặc chồng thực hiện và đương nhiên coi là có sự đồng ý của bên kia và phải liên đới chịu trách nhiệm. Quy định này khẳng định quyền tự chủ của vợ, chồng trong việc thực hiện các giao dịch dân sự nhằm đảm bảo nhu cầu thiết yếu của gia đình cũng chính là nhằm bảo vệ lợi ích của gia đình, đồng thời cũng khẳng định trách nhiệm của bên kia đối với các hành vi dân sự hợp pháp do vợ hoặc chồng của mình thực hiện vi lợi ích chính đáng của gia đình.

Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng

Trong cuộc sống gia đình, có nhiều nghĩa vụ về tài sản nhằm duy trì phát triển khối tài sản chung, vì nhu cầu thiết yếu của gia đình, vì trách nhiệm bồi thường thiệt hại thay cho con, … là những nghĩa vụ chung mà cả vợ và chồng phải cùng có trách nhiệm thực hiện. Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định vợ chồng có những nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

“1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.”

Đối với những nghĩa vụ chung này thì vợ, chồng phải chịu trách nhiệm liên đới (khoản 2 điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình 2014) cho dù chỉ có một bên vợ, chồng thực hiện.

Liên quan đến vấn đề trên, khách hàng cần giải đáp, xin liên hệ hotline công ty Luật Sao Sáng – 09366653636 để được hỗ trợ.
Trân trọng!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .