Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Giải quyết tranh chấp quyền nuôi con sau khi ly hôn

9:52 SA
Thứ Năm 09/09/2021
 562

Quyền nuôi con là một trong những quyền cơ bản của bố mẹ trong hôn nhân, sau khi ly hôn. Quyền nuôi con được quy định trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em và Hiến pháp 2013, Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Luật Trẻ em 2016 của Việt Nam. Quyền nuôi con bao gồm quyền được bố mẹ chăm sóc trong thời kỳ hôn nhân và quyền được chăm sóc sau khi bố mẹ ly hôn.

Quy định của pháp luật về con chung của vợ chồng

Mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ không chỉ được thể hiện trong các quy phạm đạo đức, tôn giáo, xã hội... mà còn được điều chỉnh cụ thể trong pháp luật. Về nguyên tắc, con chung của vợ chồng được xác định thông qua quan hệ huyết thống. Điều này được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:

“Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.”

Từ quy định pháp luật nêu trên, có thể hiểu thực tế những trường hợp được xem là con chung của vợ chồng như sau:

  • Con được sinh trong thời kỳ hôn nhân.
  • Vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng sau khi ly hôn mới sinh con.
  • Vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng sau khi người chồng chết mới phát hiện mình có thai và sinh con.
  • Vợ chồng chưa đăng ký kết hôn mà có con và thừa nhận đó là con chung.

Ngoài ra, Điều 94 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định con được sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra. Không những vậy, đối với trường hợp nhận nuôi con nuôi, người con vẫn được xem xét như con chung của vợ chồng theo quy định pháp luật về nuôi con nuôi.

Trên thực tế, nhằm đảm bảo môi trường học tập và phát triển của con, pháp luật luôn tạo điều kiện để xác định người con sống cùng cha mẹ hiện tại là con chung của vợ chồng này.

Tranh chấp quyền nuôi con sau khi ly hôn

Quan hệ hôn nhân và gia đình là một quan hệ xã hội phức tạp vì có sự đan xen giữa yếu tố pháp lý và tình cảm. Trong đó, quan trọng nhất là yếu tố tình cảm. Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Như vậy, quan hệ vợ chồng không tự nhiên chấm dứt, nếu muốn chấm dứt quan hệ vợ chồng thì phải có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án.

Đối với con cái, sau khi ly hôn thì cha mẹ vẫn có những quyền và nghĩa vụ nhất định được quy định tại Điều 58 dẫn chiếu đến Điều 81, 82, 83, 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Trong đó tập trung xoay quanh nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục con cái sau khi ly hôn xuất phát từ tầm quan trọng của gia đình trong việc chăm sóc các đối tượng yếu thế như trẻ em. Cụ thể, sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi bản thân.

Quyền nuôi con sau khi ly hôn cha mẹ có thể tự thỏa thuận tuy nhiên nếu cha mẹ không thể tự thỏa thuận thì có thể nhờ Tòa án giải quyết. Tòa án sẽ giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con khi ly hôn dựa vào quyền lợi về mọi mặt của con. Trong trường hợp con đủ 07 tuổi trở lên thì Tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của con. Nếu con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao trực tiếp cho mẹ nuôi trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện kinh tế hoặc đã có thỏa thuận khác.

Điều kiện để giành được quyền nuôi con

Quyền nuôi con được xem xét dựa trên việc bảo vệ lợi ích và sự phát triển tốt nhất cho con, có thể dựa trên những yếu tố như:

Điều kiện về kinh tế:

Điều kiện kinh tế là điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất trong những vụ việc tranh chấp về quyền nuôi con khi ly hôn. Để nuôi dưỡng con cái tốt nhất thì người nuôi dưỡng cần chứng minh điều kiện kinh tế vững chắc để tạo điều kiện cho con cái phát triển tốt. Điều kiện kinh tế ở đây gồm: Thu nhập, nhà ở,…

Thời gian chăm sóc con cái

Dù một bên vợ/chồng có đủ điều kiện kinh tế nhưng không có thời gian chăm sóc con cái thì cũng sẽ bất lợi trong quá trình giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con sau khi ly hôn. Thời gian chăm sóc con cái là cần thiết và luôn được chú trọng đối với việc nuôi dạy, giáo dục trẻ nhằm tạo một môi trường phát triển tốt nhất.

Cấp dưỡng cho con

Cấp dưỡng sẽ là một trong những quyền lợi của người trực tiếp nuôi con, người không trực tiếp nuôi con phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho con. Tuy nhiên, người nuôi dưỡng có thể yêu cầu hoặc không yêu cầu cấp dưỡng.

Các điều kiện và yếu tố khác

Trong quan hệ hôn nhân, các yếu tố như trong quá trình sinh sống giữa hai vợ chồng, ai dùng bạo lực gia đình, thời gian chăm sóc con cái, ai có lỗi dẫn đến ly hôn, nguyện vọng của con muốn chung sống với ai sau khi ly hôn,… đều là những yếu tố tác động đến quá trình giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con khi ly hôn.

Thủ tục và thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn

Căn cứ vào khoản 1 Điều 28 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, tranh chấp về quyền nuôi con sau khi ly hôn thuộc thẩm quyền của Tòa án. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp này theo điểm a Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Khi muốn giải quyết, một trong hai bên vợ/chồng phải nộp hồ sơ đến Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền:

  • Đơn khởi kiện đề nghị thay đổi quyền nuôi con.
  • Bản án hoặc Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự.
  • Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là có căn cứ hợp pháp.

Công ty Luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến lĩnh vực hôn nhân gia đình nói chung cũng như giải quyết tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn nói riêng của Quý khách hàng để tư vấn cho Quý khách hàng có những phương hướng theo đúng quy định của pháp luật. Trân trọng!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .