Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn?

15:38 CH
Thứ Tư 13/12/2023
 541

Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cặp đôi trẻ yêu nhau đã quyết định và tự nguyện sống cùng nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn đang ngày càng gia tăng. Trong quá trình chung sống cùng nhau như vợ chồng, có những cặp đôi cùng nhau tạo lập tài sản, thậm chí có con chung cùng nhau. Vậy nếu trong trường hợp các cặp đôi quyết định không chung sống với nhau nữa thì hậu quả sẽ được giải quyết như thế nào?

 1. Chung sống như vợ chồng là gì?

Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì: “Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.”

Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn khái niệm chung sống như vợ chồng trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Tuy nhiên có thể tham khảo tại mục 3.1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn áp dụng Chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật hình sự. Theo đó, chung sống như vợ chồng là:

 “Việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình.

Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc:

- Có con chung;

- Được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng;

- Có tài sản chung;

- Đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó;

...”

Trên thực tế, tình trạng nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng tồn tại dưới nhiều dạng thức như: sống thử trước khi kết hôn, sinh hoạt chung như một gia đình, sống chung và có con chung nhưng không đăng ký kết hôn...

2. Chung sống như vợ chồng có vi phạm pháp luật không?

Căn cứ tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì:

“Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình

...

2. Cấm các hành vi sau đây:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;

e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;

g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;

h) Bạo lực gia đình;

i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.”

Nam nữ sống chung như vợ chồng mà không thuộc trường hợp cấm theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì không vi phạm pháp luật. Như vậy, trường hợp hai bên nam nữ đã đủ điều kiện đăng ký kết hôn; không đang tồn tại quan hệ hôn nhân nhưng không đăng ký kết hôn mà sống chung như vợ chồng thì không vi phạm pháp luật.

Với những trường hợp nam nữ sống với nhau như vợ chồng thuộc trường hợp cấm thì đó là hành vi trái pháp luật. Trong đó điểm c khoản này có liệt kê hành vi chung sống như vợ chồng trái pháp luật như sau: “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”. Luật hôn nhân và gia đình quy định hai trường hợp chung sống như vợ chồng trái pháp luật như trên. Đây là hành vi vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng mà pháp luật đã quy định; làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, trái thuần phong mỹ tục và các quy chuẩn của đạo đức xã hội.

3. Hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn?

Việc nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Nếu hai bên có với nhau con chung, tài sản chung sẽ được giải quyết như sau:

- Về quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con chung của họ sẽ được giải quyết theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con. Cụ thể có các quyền và nghĩa vụ sau:

+ Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con hoặc của con đối với cha mẹ;

+ Nghĩa vụ và quyền giáo dục con;

+ Quyền đại diện cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự;

+ Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự;

+ Quyền quản lý tài sản riêng của con;

+ Quyền định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.

Ngoài ra, về con chung, vợ chồng có thể thỏa thuận với nhau để một người nuôi con là người trực tiếp nuôi dạy, chăm sóc con và người còn lại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu không thể thỏa thuận được vấn đề này thì bạn có thể có thể yêu cầu tòa án giải quyết. Vì bé dưới 7 tuổi, tòa án sẽ căn cứ quyền lợi của con và điều kiện của các bên để đưa ra quyết định trao quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con cho ai.

- Về quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng:

+ Đối với quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì sẽ được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên.

+ Trong trường hợp không có thỏa thuận giữa hai bên thì sẽ giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Thêm vào đó, việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con. Đặc biệt, công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung sẽ được coi như lao động có thu nhập.

Việc chung sống với nhau như vợ chồng giữa nam, nữ mà không đăng ký kết hôn có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi cho các bên khi hai bên chung sống với nhau một thời gian nhưng hết tình cảm và không còn muốn chung sống với nhau. Đặc biệt là quyền lợi của người phụ nữ và trẻ em có thể sẽ không được đảm bảo. Do đó, Nhà nước khuyến khích các cặp đôi đăng ký kết hôn, xây dựng gia đình để có thể nhận được sự bảo hộ về quyền của nhà nước.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email luatsaosang@gmail.com hoặc qua hotline: 0936.65.36.36 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .