Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Phi Nhung có được đại diện cho “con nuôi” Hồ Văn Cường ký kết hợp đồng?

19:18 CH
Thứ Ba 29/06/2021
 594

Thời gian gần đây có những trường hợp “nhận con nuôi” khá trái ngang. Tức là bỗng nhiên trong một hoàn cảnh nào đó, có người cảm thương, thương xót, thương hại rồi nhận nuôi một em bé nào đó. Đôi khi ngay tại phiên tòa, luật sư nhận con của bị cáo làm con nuôi. Thậm chí, có khi ở game show, nghệ sĩ thấy xót xa “chắc con lấy về nuôi”, hay rủ rê “về với bố nuôi, mẹ nuôi”. Câu chuyện lùm xùm trên mạng xã hội gần đây nhất là drama giữa mối quan hệ “mẹ nuôi - con nuôi” của nghệ sĩ Phi Nhung và ca sĩ nhí Hồ Văn Cường, dưới đây là những nhận định của Luật Sao Sáng về vụ việc trên. 

Hồ Văn Cường có thực sự được Phi Nhung nhận làm "con nuôi"?

Từ câu chuyện drama giữa mối quan hệ “Mẹ nuôi - con nuôi” của nghệ sĩ Phi Nhung và ca sĩ nhí Hồ Văn Cường, cần làm rõ lại khái niệm con nuôi. Như trường hợp đại đa số các nghệ sĩ nhận con nuôi, nếu không thực hiện đúng quy trình và thủ tục nhận nuôi thông qua pháp luật thì đây vẫn chỉ là mối quan hệ hứa hẹn bằng miệng, quan hệ trên báo chí, truyền thông, không rõ ràng, dẫn đến sự mập mờ về pháp lý, về trách nhiệm và các quyền lợi phát sinh trong mối quan hệ đó.

Việc nuôi con nuôi phải được đăng ký tại các cơ quan có thẩm quyền và từ đó phát sinh quan hệ pháp luật cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và con nuôi. Quyền và trách nhiệm làm cha mẹ được chuyển giao một cách hợp pháp từ cha mẹ đẻ sang cha mẹ nuôi, bao gồm các quyền và nghĩa vụ về nhân thân và về tài sản.

Quan hệ giữa người nuôi và người được nhận nuôi, theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Luật HNGĐ 2014 thì: “Giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật này, Luật nuôi con nuôi, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.”…

Điều 24 Luật Nuôi con nuôi quy định rất rõ về hệ quả của việc nuôi con nuôi như sau: “Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Cụ thể, cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con , tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội…. Con cái có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình…

Phi Nhung có được quyền đại diện cho Hồ Văn Cường kí kết hợp đồng?

Trong trường hợp ký kết các hợp đồng, nếu mẹ nuôi - con nuôi phát sinh quan hệ theo đúng quy định pháp luật quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 8 luật HNGĐ 2014 thì đương nhiên họ sẽ có quyền được đại diện con nuôi ký kết các hợp đồng.

Nhưng nếu chỉ được “PR” trên các phương tiện truyền thông, trước công chúng và dưới ánh đèn sân khấu thì chắc chắn là không. Qua các phương tiện truyền thông, mối quan hệ mẹ nuôi, con nuôi giữa ca sĩ Phi Nhung và Hồ Văn Cường là mối quan hệ bằng lời nói như vậy.

Phi Nhung nhận nuôi Hồ Văn Cường trước truyền thông vào năm 2016, khi đó Hồ Văn Cường mới có 13 tuổi. Cả hai bên đều có những lý do nhất định để hình thành mối quan hệ mẹ nuôi - con nuôi trước truyền thông nhưng không xác lập trên cơ sở pháp luật thì ca sĩ Phi Nhung không được quyền đại diện cho Hồ Văn Cường ký hợp đồng cho Hồ Văn Cường hoạt động nghệ thuật với tư cách là mẹ nuôi - người giám hộ theo pháp luật.

Theo Khoản 3 Điều 144 và Khoản 1 Điều 145 Bộ luật Lao động 2019, khi sử dụng người dưới 18 tuổi vào làm việc, người sử dụng lao động phải tuân thủ nhiều quy định. Trong đó bắt buộc phải giao kết hợp đồng bằng văn bản với người dưới 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người lao động; hoặc nếu người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì phải được sự đồng ý của cha mẹ. Trong trường hợp này, chính bố mẹ đẻ của Cường là người có quyền ký (hoặc đồng ý về việc ký). Và chỉ có bố mẹ Cường mới có quyền đại diện cho Cường ký hợp đồng.

Theo Khoản 1 Điều 564 Bộ luật Dân Sự 2015 quy định về Ủy quyền lại:

"Bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp sau đây:

a) Có sự đồng ý của bên ủy quyền;

b) Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được."

Trong trường hợp bố mẹ Hồ Văn Cường không thể tham gia ký kết hợp đồng cho Hồ Văn Cường, thì có thể ủy quyền lại cho bên thứ 3 là Phi Nhung và có sự đồng ý của Hồ Văn Cường. Vì thế Phi Nhung chỉ có thể đại diện cho Hồ Văn Cường kí kết hợp đồng nếu nhận được sự ủy quyền lại của bố mẹ Cường.

Lao động trẻ em được pháp luật bảo vệ - quy định như thế nào?

Trong Bộ Luật lao động 2019 tại Điều 144 về nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành thành niên với rất nhiều điều khoản quy định về phương thức thiết lập một công việc với trẻ em, do trẻ em là một đối tượng đặc thù được pháp luật bảo vệ nên còn có điều kiện đặc biệt khác về công việc, điều kiện làm việc, để đảm bảo "sự phát triển nhân cách, thể lực, trí lực"; "quan tâm chăm sóc về sức khỏe, học tập" cho trẻ em.

Tại điều 26, Luật Trẻ em năm 2016 quy định trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Trong trường hợp có ai vi phạm những điều này đều phải bị pháp luật can thiệp và xử lý theo những cách thức tương ứng dù có hay không có bất kỳ thỏa thuận nào.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .