Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

TỤC “KÉO VỢ” CỦA NGƯỜI MÔNG CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT?

16:07 CH
Thứ Bảy 04/03/2023
 559

Các dân tộc ở nước ta có nhiều phong tục tập quán đa dạng, một trong số đó có tục kéo vợ của người Mông. “Kéo vợ” đã có từ lâu ở đồng bào người Mông và người Thái, thể hiện sự tự do hôn nhân, giúp những chàng trai nghèo không có tiền để lo việc cưới xin. Thay vì mang tính nhân văn như thế, phong tục này đang bị lạm dụng; nhiều trường hợp đã trở thành hành vi cưỡng ép, bắt giữ người trái pháp luật mà nạn nhân là các thiếu nữ. Trong bài viết này, Luật Sao Sáng xin chia sẻ đến bạn đọc những nội dung liên quan đến câu hỏi Tục kéo vợ của người Mông có vi phạm pháp luật hay không.

      Kéo vợ từ lâu đã được xem là một nét văn hóa đặc trưng trong hôn nhân của dân tộc Mông. Người con trai sẽ tìm đến người con gái mà họ thích để bắt về làm vợ. Tục “kéo vợ” có thể coi như lối thoát cho những hoàn cảnh nghèo không đủ tiền thách cưới, cũng thể hiện cho sự tự do hôn nhân của dân tộc Mông. Nếu đôi trai gái yêu thương nhau từ trước nhưng không đủ tiền thách cưới hoặc bố mẹ cô gái không đồng ý, 2 người sẽ cùng bàn kế để chàng trai làm lễ kéo vợ. Đến ngày hẹn, chàng trai xuất hiện cùng bạn bè để “bắt” cô gái về nhà. Tục “kéo vợ” thường diễn ra vào ban đêm. Theo tục lệ, con gái đã sang nhà trai thì hồn đã nhập vào nhà trai, khó quay về, sang ngày thứ ba, nhà trai cử người sang nhà gái báo tin chính thức việc cô gái đã được đón sang nhà trai kết duyên vợ chồng, đồng thời xin nhà gái cho làm lễ cưới, định thời gian và thỏa thuận về lễ vật.

      Tục “kéo vợ” hay “kéo dâu” là một phong tục cổ truyền có tính nhân văn, phản ánh truyền thống tốt đẹp của đồng bào một số dân tộc thiểu số. Phong tục này tôn trọng nguyên tắc hôn nhân tự nguyện đã được ghi nhận trong Luật Hôn nhân và Gia đình; đồng thời hạn chế tục thách cưới cao, gây tốn kém cho các gia đình ở một số nơi. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, phong tục này bị “biến tướng”, như lợi dụng tục kéo vợ để “cướp”, “bắt” các cô gái. Đối tượng tổ chức “cướp vợ” chủ yếu là thiếu niên, còn nam nữ thanh niên đến tuổi trưởng thành hầu như không vi phạm. Hành vi này không chỉ ảnh hưởng xấu đến nòi giống do nạn tảo hôn, sinh con ở tuổi vị thành niên, nó còn có nguy cơ biến thành hành vi xâm phạm quyền tự do thân thể, tự do hôn nhân của người khác. Nhiều trường hợp việc “bắt vợ” của người đã thành niên với người dưới 16 tuổi dẫn đến tội giao cấu với trẻ em. Hơn nữa, ở vùng biên giới có nạn buôn bán người diễn ra phổ biến từ đầu thế kỷ 20 cho đến những năm sau này. Ở các huyện biên giới xảy ra rất nhiều vụ việc các cô gái bị bắt ép đi lấy chồng, bị cướp mang sang biên giới. Điều này hoàn toàn là những hành vi vi phạm pháp luật.

      Có thể thấy, biến tướng của tục “kéo vợ” là hành vi cưỡng ép hôn nhân, hôn nhân không do mong muốn của các bên thuộc các hành vi cấm kết hôn được quy định tại Khoản 2, Điều 5, Luật hôn nhân và gia đình 2014:

” 2. Cấm các hành vi sau đây:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;

e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;

g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;

h) Bạo lực gia đình;

i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.”

     Theo đó, có thể thấy biến tướng của tập tục này là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, người có hành vi bắt vợ, cướp vợ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

      Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hôn nhân gia đình:

“Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

...

c) Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn;

...”

Việc cưỡng ép kết hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm theo Điều 181, Luật Hình sự 2015:

Điều 181. Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện

Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.”

     Từ những phân tích trên, có thể thấy biến tướng của tục “kéo vợ” của người Mông hiện nay có thể coi là một hủ tục. Cần có những giải pháp về nhận thức, để phân biệt được đâu là phong tục nguyên bản, đâu là biểu hiện biến tướng, phân biệt giữa “kéo vợ” và “cướp vợ”. Đối với 2 hiện tượng này, trong xã hội người Mông cần bổ sung thiết chế quản lý trong cộng đồng, nếu kéo vợ thì tôn trọng, không can thiệp, nhưng nếu là bắt vợ, cướp vợ phải có sự can thiệp. Thay vì giữ nguyên quy ước không can thiệp dù trong bất cứ tình huống kéo vợ nào như truyền thống.

     Thêm nữa, là vai trò của các đoàn thể trong việc giáo dục, tuyên truyền ngay tại các trường học để con em hiểu đúng về tập tục dân tộc mình, ngoài ra còn là các kiến thức về chống bạo hành, chống quấy rối cũng cần được học tập. Đặc biệt, còn cần sự vận dụng luật pháp trong việc xử lý những hiện tượng làm biến tướng, ứng xử sai lệch với các biểu hiện văn hóa của luật tục một cách kịp thời, đủ sức răn đe.

    Trên đây là nội dung Luật Sao Sáng gửi đến Quý bạn đọc về câu hỏi Tục “kéo vợ” của người mông có vi phạm pháp luật hay không. Nếu bạn đọc có vấn đề nào còn thắc mắc hoặc cần được hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: Luatsaosang@gmail.com hoặc Hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .