Hợp đồng lao động vô hiệu và quy định về xử lý hợp đồng lao động vô hiệu
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Tuy nhiên cũng như các loại hợp đồng khác, hợp đồng lao động cũng có thể bị vô hiệu một phần hoặc toàn bộ do vi phạm các quy định luật định. Vậy các trường hợp nào thì hợp đồng lao động sẽ vô hiệu? Quy định về xử lý quyền lợi của các bên trong trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu ra sao?
Luật Sao sáng xin được làm rõ những vấn đề trên thông qua bài viết dưới đây.
Hợp đồng lao động vô hiệu là gì?
Hiện nay chưa có bất kỳ văn bản pháp lý nào đưa ra khái niệm về hợp đồng lao động vô hiệu. Tuy nhiên chúng ta có thể thông qua quy định về giao dịch dân sự vô hiệu và hợp đồng vô hiệu trong Bộ luật Dân sự 2015 để hiểu hợp đồng lao động vô hiệu là hợp đồng lao động không đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của pháp luật nên không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động kể từ thời điểm xác lập. Hợp đồng lao động có thể bị vô hiệu toàn bộ hoặc chỉ vô hiệu từng phần.
Các trường hợp Hợp đồng lao động vô hiệu
Theo Điều 49 Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng lao động có thể vô hiệu từng phần hoặc toàn bộ.
- Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ trong trường hợp sau đây:
+ Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật;
+ Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực trong giao kết hợp đồng lao động.
+ Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.
- Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.
Cơ quan có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu
Theo Điều 50 Bộ luật Lao động năm 2019, Tòa án nhân dân là cơ quan có thẩm quyền tuyên bố hợp đòng lao động vô hiệu.
Xử lý hợp đồng vô hiệu
Điều được nhiều người quan tâm nhất là quyền lợi và phương án xử lý khi hợp đồng lao động vô hiệu bởi lẽ đây là nội dung trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của hai bên, nhất là đối với người lao động – bên yếu thế hơn so với người sử dụng lao động. Điều 51 Bộ luật Lao động 2019 và các điều 9, 10,11 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/02/2021 quy định về xử lý hợp đồng vô hiệu như sau:
Điều 9. Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu từng phần
Việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu từng phần tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
1. Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần, người sử dụng lao động và người lao động tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho phù hợp với thỏa ước lao động tập thể và pháp luật.
2. Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên trong thời gian từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần đến khi hợp đồng lao động được sửa đổi, bổ sung thì được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng, trường hợp không có thỏa ước lao động tập thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trường hợp hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu có tiền lương thấp hơn so với quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì hai bên phải thỏa thuận lại mức lương cho đúng quy định và người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định phần chênh lệch giữa tiền lương đã thỏa thuận lại so với tiền lương trong hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu để hoàn trả cho người lao động tương ứng với thời gian làm việc thực tế theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu.
3. Trường hợp hai bên không thống nhất sửa đổi, bổ sung các nội dung đã bị tuyên bố vô hiệu thì:
a) Thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Quyền, nghĩa vụ, lợi ích của hai bên từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần đến khi chấm dứt hợp đồng lao động được thực hiện theo khoản 2 Điều này;
c) Giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 8 Nghị định này;
d) Thời gian làm việc của người lao động theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu được tính là thời gian người lao động làm việc cho người sử dụng lao động để làm căn cứ thực hiện chế độ theo quy định của pháp luật về lao động.
4. Các vấn đề khác liên quan đến việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu từng phần thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
1. Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ, người lao động và người sử dụng lao động ký lại hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật.
2. Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi hợp đồng lao động được ký lại thực hiện như sau:
a) Nếu quyền, lợi ích của mỗi bên trong hợp đồng lao động không thấp hơn quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động được thực hiện theo nội dung hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu;
b) Nếu hợp đồng lao động có nội dung về quyền, nghĩa vụ, lợi ích của mỗi bên vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến phần nội dung khác của hợp đồng lao động thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động thực hiện theo khoản 2 Điều 9 Nghị định này;
c) Thời gian người lao động làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu được tính là thời gian làm việc của người lao động cho người sử dụng lao động để làm căn cứ thực hiện chế độ theo quy định của pháp luật về lao động.
3. Trường hợp không ký lại hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì:
a) Thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.
4. Các vấn đề khác liên quan đến việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
1. Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ, người lao động và người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động mới theo đúng quy định của pháp luật.
2. Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi giao kết hợp đồng lao động mới thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này.
3. Trường hợp hai bên không giao kết hợp đồng lao động mới thì:
a) Thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu đến khi chấm dứt hợp đồng lao động được thực hiện theo khoản 2 Điều này;
c) Người sử dụng lao động trả cho người lao động một khoản tiền do hai bên thỏa thuận nhưng cứ mỗi năm làm việc ít nhất bằng một tháng lương tối thiểu vùng theo tháng áp dụng đối với địa bàn người lao động làm việc do Chính phủ quy định tại thời điểm quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. Thời gian làm việc của người lao động để tính trợ cấp là thời gian làm việc thực tế theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu xác định theo điểm a khoản 3 Điều 8 Nghị định này;
d) Giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc đối với các hợp đồng lao động trước hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu theo quy định tại Điều 8 Nghị định này, nếu có.
4. Các vấn đề khác liên quan đến việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật hoặc công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Trên đây là nội dung về Hợp đồng lao động vô hiệu chúng tôi gửi đến quý bạn đọc. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline: 0936 65 36 36 hoặc email: luatsaosang@gmail.com để được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất.