Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Báo cáo tình hình thay đổi lao động

16:29 CH
Thứ Hai 28/11/2022
 691

Báo cáo tình hình sử dụng lao động định kỳ hay báo cáo tình hình thay đổi lao động là một nghĩa vụ bắt buộc được quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019. Báo cáo này không chỉ có ý nghĩa với cơ quan quản lý khi có thể nắm bắt được tình hình lao động trên địa bàn mà còn là cơ chế để nhà nước giám sát, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Vậy báo cáo này khi nào cần phải nộp? cách thức thực hiện ra sao? Luật Sao Sáng xin được gửi đến bài viết chi tiết về vấn đề này

Khi nào phải nộp báo cáo tình hình thay đổi lao động?

Quy định về nghĩa vụ phải nộp báo cáo tình hình thay đổi về lao động trong quá trình hoạt động được quy định tại Khoản 2 Điều 12 Bộ luật Lao động năm 2019. Theo đó người sử dụng lao động có nghĩa vụ báo cáo tình hình thay đổi về lao động trong quá trình hoạt động với cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Điều luật này được hướng dẫn cụ thể tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 35/2022/NĐ-CP cụ thể như sau:

2. Định kỳ 06 tháng (trước ngày 05 tháng 6) và hằng năm (trước ngày 05 tháng 12), người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi lao động đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông qua cổng Dịch vụ công Quốc gia theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.

Như vậy mỗi năm doanh nghiệp sẽ phải nộp Báo cáo tình hình thay đổi lao động 02 Trong đó hạn chót để nộp lần đầu là ngày 05/06 và lần thứ hai vào cuối năm là ngày 05/12 năm dương lịch.

Nội dung báo cáo tình hình thay đổi lao động

Doanh nghiệp, người sử dụng lao động sẽ phải kê khai tình hình sử sụng lao động theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP với các nội dung chủ yếu sau:

- Thông tin về nhân thân của người lao động;

- Vị trí việc làm trong công ty;

- Chế độ tiền lương (hệ số lương/mức lương, các loại phụ cấp khác nếu có);

- Ngày tháng bắt đầu, kết thúc công việc thuộc danh mục công việc nặng nhọc độc hại;

- Loại hợp đồng và hiệu lực hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động;

- Chế độ đóng Bảo hiểm cho người lao động.

Phương thức nộp báo cáo

Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp có thể thực hiện báo cáo tình hình thay đổi lao động đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện thông qua hai phương thức sau:

1. Nộp trực tuyến thông qua cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để thực hiện thủ tục liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN và báo cáo tình hình sử dụng lao động.

Sau khi đăng ký thành công, định kỳ 06 tháng và hằng năm, Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ tự động lấy dữ liệu từ cơ sở dữ liệu của cơ quan BHXH gửi sang Sở Lao động Thương binh và Xã hội mà doanh nghiệp đã đăng ký là cơ quan nhận báo cáo. Từ lần sau, doanh nghiệp sẽ không cần phải lập và gửi báo cáo định kỳ theo quy định nữa.

Cùng với đó, doanh nghiệp phải thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện và và báo cáo cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế (nếu người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế).

2. Gửi trực tiếp bản giấy báo cáo đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.

Doanh nghiệp in và điền đầy đủ các thông tin có trong Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP sau đó người đại diện doanh nghiệp ký, đóng dấu và gửi báo cáo thông qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.

Cũng giống như nộp trực tuyến, doanh nghiệp phải thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện và và báo cáo cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế (nếu người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế).

Không báo cáo tình hình thay đổi lao động bị phạt thế nào?

Việc báo cáo tình hình sử dụng lao động là thủ tục bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp. Nếu không thực hiện doanh nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định Nghị định số 12/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 17 tháng 01 năm 2022.

Cụ thể tại Điểm c Khoản 2 Điều 8 người sử dụng lao động có thể bị Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi không báo cáo tình hình thay đổi lao động theo quy định.

Trên đây là nội dung Luật Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về nội dung “Báo cáo tình hình thay đổi lao động”. Nếu có vấn đề nào còn thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936653636 - 0972.17.27.57 để được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .