NGƯỜI KHUYẾT TẬT NHẸ ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ GÌ?
Người khuyết tật là những người kém may mắn khi bị khiếm khuyết một hoặc một số chức năng, bộ phận nào đó trên cơ thể. Nhà nước đưa ra các chính sách hỗ trợ khuyết tật dựa vào mức độ khuyết tật. Theo đó người khuyết tật nhẹ sẽ được hưởng những ưu đãi gì ?
1. Thế nào là người khuyết tật nhẹ:
Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp được quy định về người khuyết tật nặng, hay người khuyết tật đặc biệt nặng. Họ là những chủ thể bị khuyết tật, khiếm khuyết một bộ phận nào đó trên cơ thể. Song, khuyết tật đó không làm mất đi khả năng sinh hoạt của họ. Các chủ thể này vẫn có thể tự mình thực hiện các công việc của một người bình thường. Hoặc sự khiếm khuyết chỉ làm ảnh hưởng đến đời sống của họ một phần chứ không phải hoàn toàn.
2. Cách phân biệt và căn cứ để phân loại các mức độ khuyết tật:
Điểm khác biệt lớn nhất dùng để phân biệt người khuyết tật nhẹ, nặng và đặc biệt nặng của các cá nhân là khả năng kiểm soát được hành vi, sự phụ thuộc vào người chăm sóc. Càng ở mức độ nặng, thì người khuyết tật càng khó, hoặc không thể điều khiển được hành vi của mình; phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc. Hội Hội đồng xác định sẽ xác định vào khả năng kiểm soát hành vi, tính phụ thuộc; và quan sát trực tiếp người khuyết tật thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo tiêu chí về y tế, xã hội và phương pháp khác theo quy định để xác định mức độ khuyết tật.
Sự phân biệt người khuyết tật nhẹ, nặng, đặc biệt nặng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đưa ra phương hướng hỗ trợ một cách tốt nhất; nhằm tạo điều kiện để các chủ thể này được phát triển trong một điều kiện ổn định và toàn diện nhất.
3. Căn cứ xác định mức khuyết tật nhẹ:
Căn cứ Khoản 3 Điều 4 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 4. Xác định mức độ khuyết tật
3. Người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật căn cứ kết luận của Hội đồng giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật như sau:
a) Người khuyết tật đặc biệt nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận không còn khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
b) Người khuyết tật nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;
c) Người khuyết tật nhẹ khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng lao động dưới 61%”.
Theo đó, căn cứ xác định mức độ khuyết tật là khả năng thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật sử dụng bộ câu hỏi theo tiêu chí về y tế, xã hội và phương pháp khác để đánh giá khả năng thực hiện hoạt động trên. Đối chiếu quy định trên thì giám định khuyết tật bị suy giảm 60% khả năng lao động có thể được xác định là người khuyết tật nhẹ.
4. Các chế độ cho người khuyết tật nhẹ
Căn cứ Khoản 3 Điều 16 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 16. Hệ số tính mức trợ cấp xã hội hàng tháng, mức hỗ trợ chi phí mai táng
1. Hệ số tính mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người khuyết tật sống tại hộ gia đình được quy định như sau:
a) Hệ số hai (2,0) đối với người khuyết tật đặc biệt nặng;
b) Hệ số hai phẩy năm (2,5) đối với người khuyết tật đặc biệt nặng là người cao tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng là trẻ em;
c) Hệ số một phẩy năm (1,5) đối với người khuyết tật nặng;
d) Hệ số hai (2,0) đối với người khuyết tật nặng là người cao tuổi, người khuyết tật nặng là trẻ em.
… 3. Người khuyết tật quy định tại Khoản 1 Điều này đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, khi chết được hỗ trợ chi phí mai táng bằng mức hỗ trợ mai táng đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Trường hợp người khuyết tật thuộc diện hưởng các mức hỗ trợ chi phí mai táng khác nhau thì chỉ được hưởng một mức cao nhất”.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 9 Nghị định 136/2013/NĐ-CP
“Điều 9. Cấp thẻ bảo hiểm y tế
1. Đối tượng bảo trợ xã hội được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế, bao gồm:
a) Đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 5 Nghị định này;
b) Con của người đơn thân nghèo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định này;
c) Người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng;
d) Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác mà chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí…”
Như vậy, người khuyết tật nhẹ sẽ không được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng; hỗ trợ kinh phí chăm sóc; cấp thẻ bảo hiểm y tế cũng như mai táng phí khi qua đời.
Tuy nhiên, theo quy định tại Luật người khuyết tật năm 2010 và các văn bản liên quan thì người khuyết tật nhẹ sẽ được hưởng các hỗ trợ về giáo dục; dạy nghề và việc làm; văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch;…
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 – 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!