Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Trường hợp nào người sử dụng lao động được áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động?

15:02 CH
Thứ Ba 09/01/2024
 130

1. Kỷ luật lao động là gì?

Bộ luật lao động năm 2019 đã có quy định rõ ràng về kỷ luật lao động tại Điều 117.

Điều 117: Kỷ luật lao động

Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định”.

Có thể hiểu rằng kỷ luật lao động là một loạt các biện pháp mà người sử dụng lao động ban hành ra để áp dụng nhằm nhắc nhở, cảnh cáo, trừng phạt người lao động khi họ có những hành vi vi phạm nội quy, quy tắc lao động. Tùy theo mức độ vi phạm, người sử dụng lao động có thể tùy chọn các biện pháp phù hợp.

2. Các hình thức xử lý kỷ luật lao động

Hiện nay, Bộ luật lao động năm 2019 quy định có 04 hình thức xử lý kỷ luật lao động tại Điều 124.

Điều 124: Hình thức xử lý kỷ luật lao động”

1. Khiển trách;

2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng;

3. Cách chức;

4. Sa thải.”

2.1. Khiển trách

Khiển trách là hình thức xử lý kỷ luật lao động nhẹ nhất, được áp dụng để nhắc nhở người lao động có hành vi vi phạm lần đầu với mức độ nhẹ. Khiển trách có thể được thực hiện bằng miệng hoặc bằng văn bản nhằm ngăn ngừa những hành vi vi phạm tiếp theo có thể xảy ra trong tương lai.

2.2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng

Hình thức xử lý kỷ luật này được áp dụng đối với trường hợp người lao động có hành vi vi phạm nghiêm trọng hơn so với các trường hợp khiển trách.

2.3. Cách chức

Cách chức là việc người có thẩm quyền, người sử dụng lao động ra quyết định cho người được bổ nhiệm đang giữ một vị trí nhất định thôi không giữ chức vụ đó nữa do vi phạm nội quy (hành vi vi phạm có mức độ nghiêm trọng hơn trong trường hợp khiển trách và kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng) lao động thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của người đó, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm và trách nhiệm được giao. Cách chức được áp dụng đối với người có chức vụ và không có thời hạn.

2.4. Sa thải

Đây là hình thức xử lý kỷ luật nặng và nghiêm khắc nhất trong bốn hình thức được quy định trong luật. Hậu quả của hình thức kỷ luật này dẫn đến việc chấm dứt quan hệ lao động, chấm dứt nguồn kinh tế của người lao động thậm chí đôi khi còn ảnh hưởng tới tâm lý, uy tín, nhân cách của người lao động. Chính vì vậy, hình thức này được pháp luật quy định cụ thể, rõ ràng nhất trong bốn hình thức. Kỷ luật sa thải đã được quy định cụ thể tại Điều 125 Bộ luật lao động 2019.

3. Trường hợp nào người sử dụng lao động được áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động?

Sa thải là hình thức kỷ luật nghiêm khắc nhất mà người sử dụng lao động có thể áp dụng đối với người lao động. Bởi có sự khác biệt giữa hệ quả của hình thức kỷ luật sa thải với các hình thức xử lý kỷ luật khác đó là sa thải sẽ chấm dứt quan hệ lao động, tác động trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Do đó pháp luật đã có quy định rất rõ đối với các trường hợp người sử dụng lao động có thể áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động tại Điều 125 Bộ luật lao động 2019.

Điều 125: Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải

Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:

1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;

2.Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;

3. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 126 của Bộ luật này;

4. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

Theo đó, người sử dụng lao động chỉ được phép sử dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với các trường hợp được quy định tại Điều 125 Bộ luật lao động 2019. Những hành vi được quy định tại Điều 125 có thể gây thiệt hại lớn về tài sản và uy tin của người sử dụng lao động. Khi người lao động thực hiện những hành vi này không chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị mà con ảnh hưởng đến tập thể lao động tại đơn vị.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .