Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

PHÂN BIỆT CƠ CHẾ BẢO HỘ NHÃN HIỆU TẬP THỂ VÀ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ

10:38 SA
Thứ Ba 05/04/2022
 805

Nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý là những đối tượng bảo hộ khác nhau của quyền sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên có nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, chỉ dẫn địa lý với chức năng là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể rất dễ bị xâm phạm. Để có cái nhìn chính xác hơn về vấn đề này, mời quý khách tham khảo bài viết dưới đây.

1. Khái niệm 

Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó. Người tiêu dùng nhận biết nhãn hiệu tập thể tức là nhận biết về nguồn gốc của nhãn hiệu (là tập thể) cũng như chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu của tập thể đăng ký là chủ sở hữu.

Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Người tiêu dùng nhận biệt chỉ dẫn địa lý tức là nhận biết về sản phẩm có nguồn gốc địa lý, chất lượng, đặc tính chủ yếu của sản phẩm cũng như danh tiếng của sản phẩm được tạo nên nhờ có điều kiện địa lý tại khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia đó.

Từ khái kiệm, chúng ta có thể nhận thấy khác biệt cơ bản của nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý được pháp luật quy định là chức năng của chúng. Trong khi nhãn hiệu tập thể dùng để để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu với hàng hóa, dịch vụ của người khác thì chỉ dẫn địa lý dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ vị trí địa lý cụ thể.

2. Điều kiện bảo hộ

Điều kiện bảo hộ của nhãn hiệu tập thể được quy định tại Điều 72, 74 LSHTT như sau:

  • Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc;
  • Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.

Điều kiện bảo hộ của chỉ dẫn địa lý được quy định tại Điều 79 LSHTT như sau:

  • Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
  • Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.

3. Đối tượng không được bảo hộ

Các đối tượng có dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước; với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép; với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài; với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận; và dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ thì không được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu.

Các đối tượng có các dấu hiệu sau sẽ không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý:

  • Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam;
  • Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng;
  • Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ hoặc đã được nộp theo đơn đăng ký nhãn hiệu có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa;
  • Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.

4. Chủ thể có quyền nộp đơn đăng ký

Chủ thể có quyền nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể là tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Chủ thể có quyền đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý là Nhà nước. Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Người thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.

5. Chủ sở hữu và chủ thể có quyền sử dụng

Chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể là tổ chức được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Chủ thể có quyền sử dụng là thành viên của tổ chức đó.

Chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý là Nhà nước. Tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực mang chỉ dẫn địa lý và sản phẩm có họ đáp ứng các tiêu chẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

6. Thời gian bảo hộ

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.

Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp.

Như vậy, thời hạn bảo hộ của nhãn hiệu tập thể là có thời hạn, còn chỉ dẫn địa lý là vô hạn.

7. Chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo h

Điểm a, b, c, d, đ Khoản 1 Điều 95 LSHTT quy định về chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể khi:

  • Chủ văn bằng bảo hộ không nộp lệ phí duy trì hiệu lực hoặc gia hạn hiệu lực theo quy định.
  • Chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp.
  • Chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ Giấy chứng nhận không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp.
  • Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn 5 năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất 3 tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực.
  • Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu tập thể không kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể.

Điểm g khoản 1 Điều 95 LSHTT quy định: “Các điều kiện địa lý tạo nên danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bị thay đổi làm mất danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm đó”.

8.Hành vi xâm phạm quyền bảo hộ nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý

Hành vi xâm phạm quyền bảo hộ nhãn hiệu tập thể được quy định tại khoản 1 Điều 129 LSHTT, bao gồm:

  • Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.
  • Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.
  • Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.

Hành vi xâm phạm quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý được quy định tại khoản 3 Điều 129 LSHTT, bao gồm:

  • Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, nhưng sản phẩm đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
  • Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm mục đích lợi dụng danh tiếng, uy tín của chỉ dẫn địa lý.
  • Sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó.
  • Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đối với rượu vang, rượu mạnh cho

rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó, kể cả trường hợp có nêu chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ thật của hàng hóa hoặc chỉ dẫn địa lý được sử dụng dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm hoặc được sử dụng kèm theo các từ loại, kiểu, dạng, phỏng theo hoặc những từ tương tự như vậy

Trên đây là  nội dung vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng.

Trân trọng cảm ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .