Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Quy định của pháp luật về việc áp dụng biện pháp hình sự trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

10:20 SA
Thứ Hai 04/04/2022
 322

Biện pháp hình sự (BPHS) trong bảo vệ quyền SHTT là “những biện pháp được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền, buộc cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thực hiện hành vi xâm phạm đến quyền SHTT của tổ chức, cá nhân khác một cách cố ý hoặc vô ý và được quy định trong BLHS phải chịu hình phạt theo quy định của BLHS”. Vậy  pháp luật quy định về biện pháp này như thế nào, mới quý đọc giả tham khảo bài viết dưới đây

I. Quy định của pháp luật về việc áp dụng biện pháp hình sự trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Theo Điều 212 Luật SHTT năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì “Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu TNHS theo quy định của pháp luật hình sự”. Như vậy, áp dụng BPHS trong bảo vệ quyền SHTT chính là cách gọi khác của việc truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với người thực hiện hành vi phạm tội xâm phạm quyền SHTT. Theo quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), những tội danh này bao gồm:

  • Nhóm những tội danh xâm phạm đến quyền tác giả, quyền liên quan, bao gồm tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 225) và tội vi phạm quy định về hoạt động xuất bản (Điều 344).
  • Nhóm những tội danh xâm phạm đến quyền sở hữu công nghiệp, bao gồm Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194), tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi (Điều 195); tội lừa dối khách hàng (Điều 198); tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp (Điều 226).
  • Cho đến nay, BLHS vẫn chưa bổ sung các tội danh liên quan đến hoạt động xâm phạm quyền đối với giống cây trồng. Khoản 1 Điều 2 BLHS quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Vì vậy, quyền đối với giống cây trồng sẽ không được bảo vệ bởi các BPHS.

Việc áp dụng BPHS đối với những trường hợp xâm phạm quyền SHTT nêu trên sẽ dựa vào một trong hai hoặc cả hai yếu tố sau:

Thứ nhất, dựa vào hậu quả mà hành vi xâm phạm quyền SHTT gây ra đối với chủ sở hữu quyền. Đây là cách thức áp dụng BPHS trong bảo về quyền sở hữu trí tuệ đối với tất cả những hành vi xâm phạm quyền SHTT được nêu ở trên. Theo đó, người nào xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan hoặc quyền sở hữu công nghiệp với quy mô thương mại, thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu quyền đến một mức độ cụ thể theo luật định thì sẽ bị xác định là tội phạm và cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành áp dụng BPHS đối với những người đó để bảo vệ quyền SHTT. Trường hợp này, chưa tính đến quy mô toàn xã hội, chỉ riêng mức độ xâm phạm của hành vi đối với chủ sở hữu quyền thì đã đạt tới mức đủ nghiêm trọng để áp dụng BPHS.

Thứ hai, dựa vào hậu quả mà hành vi xâm phạm quyền SHTT gây ra đối với toàn xã hội. Bên cạnh việc xác định hậu quả thiệt hại đối với chủ sở hữu quyền làm tình tiết định danh tội phạm, đối với các tội quy định tại Điều 192, 193, 194, 195 và 198, pháp luật còn quy định hành vi xâm phạm quyền SHTT bị coi là tội phạm nếu tác động của nó ảnh hưởng đến cả những chủ thể khác ngoài cộng đồng. Ví dụ như tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192), hành vi này không những xâm phạm quyền SHTT (nhãn hiệu, hình dáng hàng hóa…) mà trong nhiều trường hợp còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng nếu hàng hóa giả đó được sản xuất không đảm bảo chất lượng. Dễ thấy, những hành vi này đã vượt ra khỏi quy mô của một sự xâm phạm quyền SHTT thuần túy, trở thành hành vi mang tính nguy hiểm cao đến toàn xã hội, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng. Do vậy, những hành vi này sẽ đủ yếu tố cấu thành tội phạm ngay khi hậu quả nó gây ra cho xã hội đạt đến một mức độ cụ thể theo luật định (làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác, gây thiệt hại về tài sản), bất kể hành vi xâm phạm quyền SHTT có gây ra thiệt hại đáng kể cho chủ sở hữu quyền hay không.

Như vậy, việc áp dụng BPHS được tiến hành đối với một hành vi xâm phạm quyền SHTT nếu hành vi đó gây thiệt hại đáng kể về mặt tài sản cho chủ sở hữu quyền hoặc chưa gây ra hậu quả đáng kể cho chủ sở hữu quyền nhưng lại gây ra thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của cộng đồng. Trường hợp hành vi xâm phạm quyền SHTT có đủ cả hai yếu tố trên chủ thể phải chịu TNHS cho cả hai loại thiệt hại.

Về các BPHS được áp dụng trong bảo vệ quyền SHTT, tùy vào tội danh và mức độ nghiêm trọng, các biện pháp có thể được áp dụng bao gồm:

  • Đối với cá nhân: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình. Ngoài ra, cá nhân còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất, tước một số quyền công dân, tịch thu tài sản, phạt tiền (không không phải hình phạt chính.

- Đối với pháp nhân thương mại: Phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, phạt tiền.

Bên cạnh đó, Tòa án còn có thể áp dụng một số biện pháp tư pháp nhằm buộc cá nhân hoặc pháp nhân thương mại phạm tội xâm phạm quyền SHTT khắc phục hậu quả mà hành vi phạm tội gây ra.

II. Ưu nhược điểm của việc áp dụng biện pháp hình sự

    1.Về ưu điểm

Là biện pháp bảo vệ quyền SHTT có sự tham gia tích cực nhất của Nhà nước, việc áp dụng BPHS có những ưu điểm sau:

Thứ nhất, BPHS là biện pháp mang tính giáo dục, răn đe và nghiêm khắc nhất. Trong số các biện pháp bảo vệ quyền SHTT, BPHS là biện pháp mang tính răn đe cao nhất. Điều này đươc thể hiện bởi hệ thống hình phạt vô cùng nghiêm khắc mà Nhà nước đặt ra đối với chủ thể xâm phạm quyền SHTT. Đồng thời, việc áp dụng các BPHS trong bảo vệ quyền SHTT cũng giúp Nhà nước thực hiện hoạt động giáo dục, tạo tâm lý tôn trọng pháp luật trong cộng đồng, giúp người dân nhận thức và tự mình tuân thủ pháp luật về SHTT.

Thứ hai, BPHS có thể giải quyết triệt để hành vi xâm phạm quyền SHTT. Việc áp dụng và thi hành các BPHS được thực hiện bởi cơ quan thi hành án hình sự với sự cưỡng chế cao nhất. Do đó, hành vi xâm phạm quyền SHTT sẽ được chấm dứt một cách triệt để. Đây là ưu điểm chung của những biện pháp bảo vệ quyền SHTT có sự tham gia của Nhà nước.

     ​​​​​​​2.Về nhược điểm

     BPHS trong bảo vệ quyền SHTT có những nhược điểm sau:

Thứ nhất, việc áp dụng BPHS phải trả qua trình tự, thủ tục phức tạp. Do việc áp dụng BPHS cũng chính là quá trình giải quyết vụ án hình sự, do đó, phải được tiến hành thông qua thủ tục tố tụng hình sự nặng nề với sự tham gia phối hợp giải quyết của một loạt các cơ quan tiến hành tố tụng. Điều này được coi là nhược điểm lớn của việc áp dụng BPHS trong bảo vệ quyền SHTT, nhất là với những thương nhân, đối tượng yêu cầu việc giải quyết hành vi xâm phạm phải được tiến hành nhanh chóng, tránh chậm trễ gây thất thoát tài sản.

Thứ hai, BPHS có khả năng bảo mật thông tin hạn chế. Nguyên tắc của hoạt động xét xử tội phạm là phải được tổ chức công khai, trong một số trường hợp có thể xét xử kín nhưng vẫn phải tuyên án công khai. Như vậy, khả năng bảo mật thông tin khi áp dụng BPHS trong bảo vệ quyền SHTT là rất hạn chế.

Thứ ba, BPHS khó đảm bảo được quyền đòi bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu quyền. Mặc dù pháp luật quy định bên cạnh trách nhiệm hình sự, chủ thể thực hiện hành vi phạm tội xâm phạm đến quyền SHTT còn phải thực hiện trách nhiệm dân sự, có thể là bồi thường thiệt hại về mặt vật chất, uy tín cho chủ sở hữu quyền. Tuy nhiên, việc cưỡng chế thực hiện trách nhiệm dân sự phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của người thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, không phải teong mọi trường hợp, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền đều được đảm bảo, đặc biệt là những trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội phải chịu hình phạt tù giam. Trường hợp này đặt ra câu hỏi “ai sẽ là người phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu quyền trong thời gian người thực hiện hành vi phạm tội phải chấp hành án phạt tù?”

Trên đây là thư tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng.

Trân trọng cám ơn!

 

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .