Mã số, mã vạch: những điều cần biết (tiếp)
4. GS1 Việt Nam là tổ chức gì? Tại sao MSMV phải áp ứng theo tiêu chuẩn GS1?
GS1 hay Hiệp hội mã số châu Âu, được thành lập năm 1977 theo luật pháp nước Bỉ với tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế. Tổ chức này điều hành Ban thư ký có trụ sở tại Bỉ cộng tác một cách chặt chẽ với các tổ chức mã số địa phương và có một số công việc thì do một số Uỷ ban mã số thực hiện.
Nhiệm vụ của GS1 được đặt ra để thiết kế và thực hiện các giải pháp và tiêu chuẩn toàn cầu để cải thiện tính hiệu quả và tính minh bạch của chuỗi cung ứng và chuỗi nhu cầu trên phạm vi toàn cầu và các lĩnh vực liên quan. Hiện tại GS1 có đại diện ở trên 108 quốc gia trên thế giới và hoạt động trong hơn 20 ngành công nghiệp.
Năm 1995, Thủ tướng Chính phủ cho phép Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tham gia EAN quốc tế nhằm đưa công nghệ MSMV vào ứng dụng ở nước ta, với tên gọi EAN Việt Nam. Từ 2005, EAN đổi tên thành GS1, EAN Việt Nam cũng được đổi tên thành GS1 Việt Nam để tiếp tục thực hiện việc quản lý, cung cấp MSMV trên lãnh thổ Việt Nam.
GS1 Việt Nam là tổ chức đại diện duy nhất của Việt Nam tại GS1 quốc tế, đại diện cho GS1 để triển khai Hệ thống GS1 tại Việt Nam đối với:
- Quản lý ngân hàng mã quốc gia 893;
- Cấp mã doanh nghiệp
- Giúp các nhà sản xuất, phân phối, bán buôn, bán lẻ và các tổ chức quan tâm khác áp dụng công nghệ MSMV, trao đổi dữ liệu bằng điện tử (EDI)
Vì vậy, tất cả các MSMV của các doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam đều phải do GS1 Việt Nam cấp và quản lý theo tiêu chuẩn chung về MSMV trên thế giới.
5. QR code (quick response code) là gì ?
Mã vạch QR là một trong các loại mã vạch hai chiều, do một công ty của Nhật thiết kế chế tạo. Do có nhiều ưu việt nên mã vạch QR đã được tiêu chuẩn hóa thành tiêu chuẩn quốc tế (ISO/IEC 18004) để áp dụng chung trên toàn thế giới. Việt Nam đã công nhận ISO/IEC 18004 thành tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 7322) về loại mã này.
Các đặc tính ưu việt của mã vạch QR là:
· Mã hóa được số lượng lớn thông tin và hình ảnh;
· Tiết kiệm diện tích in trên bao bì;
· Mã hóa được tất cả các loại ký tự (tiếng Anh, Trung Quốc, Nhật Bản ...);
· Chính xác và an toàn khi quét.
Hiện nay nhiều doanh nghiệp sử dụng mã QR code không chỉ đối với việc truy xuất thông tin sản phẩm mà còn áp dụng cho việc thanh toán đơn hàng.
6. Có bao nhiêu loại MSNV theo tiêu chuẩn GS1?
Các loại mã số GS1 gồm:
- mã địa điểm toàn cầu GLN;
- mã thương phẩm toàn cầu GTIN;
- mã conenơ vận chuyển theo xêri SSCC;
- mã toàn cầu phân định tài sản GRAI & GIAI;
- mã toàn cầu phân định quan hệ dịch vụ GSRN;
- mã toàn cầu phân định loại tài liệu GDTI ;
Các loại mã vạch thể hiện các loại mã số GS1:
- mã vạch thể hiện mã số thương phẩm toàn cầu: EAN 8, EAN 13, ITF 14;
- mã vạch thể hiện các loại mã số khác là mã vạch GS1-128;
- ngoài ra còn có mã giảm diện tích: databar, mã QR...
Mỗi loại MSMV được thiết kế chỉ để ứng dụng cho một đối tượng đặc thù nên không thể thống nhất thành một được.
7. Cách đọc mã số:
Cách 1: Đọc thủ công
Khi đọc mã số này chúng ta đọc từ trái sang phải theo thứ tự sau:
- Ba chữ số đầu tiên thể hiện Mã quốc gia GS1 do Tổ chức GS1 quản trị và cấp. Mã quốc gia của Việt Nam là 893);
- Bốn, năm, sáu hoặc bảy chữ số tiếp theo thể hiện Số phân định doanh nghiệp do GS1 Việt Nam quản trị và cấp cho tổ chức sử dụng mã số GS1;
- Năm hoặc bốn hoặc ba hoặc hai chữ số tiếp theo thể hiện Số phân định vật phẩm do tổ chức sử dụng mã số GS1 quản trị và cấp cho các vật phẩm của mình;
- Chữ số cuối cùng thể hiện Số kiểm tra (được tính từ mười hai chữ số đứng trước theo thuật toán xác định của GS1).
Cách 2: Đọc mã vạch bằng máy quét mã vạch
Sử dụng tính năng quét mã vạch trên điện thoại di động, bạn chỉ cần quét mã trên bao bì là đã có đủ thông tin về sản phẩm đó.
(còn tiếp)