Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

CÔN ĐỒ? PHẠM TỘI CÓ TÍNH CHẤT CÔN ĐỒ?

13:40 CH
Thứ Tư 28/06/2023
 676

Trong thực tiễn khách quan tội phạm hoạt động ngày càng tinh vi với những động cơ coi thường pháp luật coi thường tính mạng của một con người mà một trong những biểu hiện đấy chính là sự “côn đồ” với những tính chất phức tạp đã được áp dụng là tình tiết và định khung tăng nặng trong Bộ luật Hình sự 2015 có hai quy định đó là “Côn đồ” và “Có tính chất côn đồ”, xét về mặt bản chất đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Trong thực tế, phân biệt rõ ràng “côn đồ” và “có tính chất côn đồ” chưa được rạch ròi, dẫn đến có trường hợp lúng túng trong giải quyết vụ án.

1, Côn đồ được hiểu là gì? Thế nào là hành vi có tính chất côn đồ?

“Côn đồ” theo từ điển tiếng việt được hiểu là kẻ chuyên gây sự, hành hung, có những hành động ngang ngược, thô bạo. Theo tinh thần hướng dẫn tại Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 và tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1995, TANDTC giải thích về “Côn đồ” như sau: Khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khoẻ, tính mạng, danh dự  người khác, gây gổ hành hung người khác một cách vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt… Như vậy, côn đồ chính là bản tính, tính cách của con người nó luôn tồn tại song song với con người và đó là một đặc điểm gắn liền của con người.

Hành vi “Có tính chất côn đồ” hiện nay không có văn bản pháp luật nào quy định, đây là một khái niệm hoàn toàn mang yếu tố định tính việc đánh giá một hành vi phạm tội có tính côn đồ hay không chủ yếu dựa vào cảm quan của người đánh giá. Hiện nay thực tế một số vụ án chỉ dựa vào một yếu tố để đánh giá hành vi phạm tội đó có tính côn đồ là không phù hợp ví dụ: Vì mâu thuẫn nhỏ nhặt mà đánh người vô cớ, hay vì nhân thân xấu…, việc đánh giá một hành vi có tính côn đồ hay không phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau.

Cần có sự phân biệt và tách bạch giữa hai khái niệm “Côn đồ” và hành vi phạm tội “Có tính chất côn đồ” để khi áp dụng cho phù hợp. Côn đồ là khái niệm mang tính chất bổ trợ cho hành vi “Có tính côn đồ”. Khi nói đến một con người côn đồ là nói đến một chủ thể cụ thể, còn “có tính chất côn đồ” là chỉ hành vi của con người khi thực hiện tội phạm. Một con người côn đồ khi thực hiện hành vi phạm tội chưa chắc đã có tính chất côn đồ. Người côn đồ và tính chất côn đồ khác nhau bởi hành vi khách quan biểu hiện ra bên ngoài. Tính chất côn đồ chỉ diễn ra giữa người này và người kia mà không thể xem là có tính chất côn đồ với danh dự, tài sản và các khách thể khác.

Tại điểm c khoản 1 Điều 3 BLHS 2015 về nguyên tắc xử lý, quy định:

“Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội”. Vậy côn đồ trong trường hợp này là con người “côn đồ” hay “phạm tội có tính chất côn đồ”.

Theo đó, quy định trên áp dụng với con người có bản chất côn đồ, còn người “phạm tội có tính chất côn đồ” đã được pháp luật hình sự quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc tăng nặng định khung hình phạt, là tình tiết được xem xét khi quyết định hình phạt  thì không nên áp dụng điểm c khoản 1 Điều 3 BLHS 2015 nhằm thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật đồng thời bảo đảm tính nhân đạo, khoan hồng của pháp luật hình sự. Tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ” trong cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” tại điểm i, khoản 1, Điều 134, Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 quy định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% có tính chất côn đồ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

BLHS năm 2015 quy định về “côn đồ” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 52, BLHS năm 2015 (phạm tội có tính chất côn đồ) và quy định “có tính chất côn đồ” là định khung của tội “Giết người” tại điểm n, khoản 1, Điều 123 và tội “Cố ý gây thương tích” tại điểm i, khoản 1, Điều 134, BLHS năm 2015.

2. Các yếu tố xác định có tính chất côn đồ:

Khi đánh giá hành vi có tính côn đồ hay không phải đánh giá chủ yếu là xem xét diễn biến của hành vi phạm tội như ý thức của người phạm tội; có sự chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội; tính chất phạm tội có quyết liệt hay không? Mức độ tấn công, cường độ tấn công…phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố để đánh giá cho phù hợp. Hành vi phạm tội có tính côn đồ bao gồm:

Thứ nhất: Ý thức của hành vi phạm tội có tính côn đồ.

Đây là một yếu tố quan trọng, quyết định hành vi phạm tội của một người có tính côn đồ hay không. Theo Từ điển Tiếng Việt “Ý thức là những suy nghĩ, những tính toán hình thành trong ý nghĩ của con người khi thực hiện một công việc nào đó”, ý thức của người thực hiện hành vi phạm tội có tính côn đồ đó là hình thành quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội, là sự chủ động trong hành vi.

Trong khoa học pháp lý, ý thức tội phạm khi hình thành sẽ giúp cho con người có mong muốn thực hiện bằng mọi giá hành vi của mình và cũng nhờ ý thức giúp vượt qua mọi khó khăn, rào cản, đây là yếu tố thúc đẩy các yếu tố để cụ thể hóa các hành vi khác vận dụng vào trong tội phạm, hay nói cách khác đó là tiền đề cho mọi yếu tố khác trong hành vi phạm tội có tính côn đồ.

Thứ hai: Sự chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội của hành vi phạm tội có tính chất côn đồ.

Khi hình thành ý thức phạm tội và để mục đích thực hiện được hành vi phạm tội thì người phạm tội phải có sự chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội ví dụ như: Dao, kiếm, gậy… đây là những yếu tố có mục đích hỗ trợ cho hành vi phạm tội được thực hiện một cách đúng như ý thức đã hình thành trước đó. Ngoài ra, cũng có những người luôn chuẩn bị sẵn các loại hung khí mang tính sát thương cao để sẵn sàng sử dụng khi có va chạm hoặc vì bất cứ lý do gì, đây cũng là một dạng hành vi thể hiện tính chất côn đồ.

Thứ ba: Mức độ tấn công, cường độ tấn công và tính chất của hành vi.

Mức độ tấn công và cường độ tấn công là hai thái cực thể hiện tính quyết liệt trong hành vi của người phạm tội có tính chất côn đồ hay không, thông thường một hành vi phạm tội có tính côn đồ hay không thể hiện rất rõ ở dấu hiệu này, một người thực hiện một hành vi phạm tội với mức độ tấn công, cường độ tấn công nhanh, mạnh, thực hiện nhiều làn và liên tục và quyết liệt bất kể mọi người có sự can ngăn nhưng vẫn thực hiện thậm chí là có hành vi đe dọa người khác nếu không để cho đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, thậm chí công khai ngang nhiên thách thức các lực lượng chức năng thực thi công vụ đây cũng là một yếu tố thể hiện tính côn đồ trong hành vi phạm tội.

Thứ tư: Nguyên nhân thực hiện hành vi phạm tội có tính côn đồ.

Đây hoàn toàn không phải là yếu tố quan trọng, vì dù bất cứ lý do gì có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm và tài sản của người khác đều đều vi phạm pháp luật và nhưng thông thường nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội có tính côn đồ là những lý dọ vụn vặt, những va chạm, xích mích nhỏ nhặt và những nguyên nhân đó chỉ là cái cớ để một người thực hiện hành vi phạm tội đó chính là sự thể hiện tính côn đồ, coi thường pháp luật.

Thứ năm: Nhân thân của người phạm tội.

Thông thường khi đánh giá một người có nhân thân để từ đó đánh giá hành vi của họ có tính côn đồ hay không phải đánh giá một cách toàn diện như mối quan hệ xã hội, hoàn cảnh sống, thái độ và quan điểm sống của người đó để đánh giá cho phù hợp.

Như vậy việc đánh giá một hành vi phạm tội có tính côn đồ hay không đòi hỏi phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố cần đánh giá một cách toàn diện mới xác định một cách chính xác, khách quan.

“Côn đồ” là đánh giá về bản tính con người còn hành vi “Có tính chất côn đồ” cần đánh giá và bám vào hành vi phạm tội cụ thể. Một người côn đồ nhưng lúc họ thực hiện hành vi phạm tội chưa chắc hành vi đó đã “Có tính chất côn đồ” thực tiễn trong nhiều vụ án đã có sự đồng nhất hai khái niệm này.

Để đánh giá “Có tính chất côn đồ” hay không phải tùy từng vụ án cụ thể và đánh giá nhiều yếu tố khác như nhân thân; hung khí, công cụ, phương tiện và cách thức sử dụng; cường độ tấn công, vị trí tấn công, tương quan lực lượng, lỗi của các bên trong phát sinh mâu thuẫn, mâu thuẫn đã có từ trước hay vừa xảy ra mâu thuẫn, mâu thuẫn của nhiều người trong các nhóm lợi ích khác nhau hay giữa từng cá nhân; không gian, thời gian, địa điểm, đặc điểm tâm sinh lý, nguyên nhân, điều kiện xảy ra vụ án, vụ việc....Có như vậy mới xác định đúng và giải quyết vụ án, vụ việc đúng quy định của pháp luật; đặc biệt là xác định rõ ràng để xử phạt vi phạm hành chính hay xử lý hình sự khi cấu thành điểm i khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự; tránh bỏ lọt tội phạm và làm oan người không có tội.

Vì vậy trong khi chưa có hướng dẫn áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” quy định trong Bộ luật hình sự 2015, để vận dụng đúng và khách quan đối với tình tiết này đòi hỏi chúng ta phải đánh giá dựa trên nhiều yếu tố, như:

-Nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội,

-Thời gian, địa điểm, không gian tội phạm được thực hiện,

-Nhân thân người phạm tội…

Để từ đó đánh giá hành vi phạm tội của họ:

-Có coi thường pháp luật, có ý thức thách thức pháp luật không và ở mức độ như thế nào?

-Động cơ, mục đích, công cụ, phương tiện, thủ đoạn phạm tội là gì?

-Tương quan lực lượng, hậu quả pháp lý mà tội phạm gây ra.

Giúp chúng ta áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” được đúng đắn trong hoạt động xét xử, đạt được hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm bởi thực tiễn giải quyết vụ án hình sự thấy rằng xác định trường hợp phạm tội gây thương tích có tính chất côn đồ không phải bao giờ dễ dàng như các trường hợp gây thương tích khác.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 – 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .