Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

CÁC TRƯỜNG HỢP PHẢI CHỈ ĐỊNH NGƯỜI BÀO CHỮA. NẾU BỊ CHỈ ĐỊNH THÌ NGƯỜI BỊ BUỘC TỘI CÓ QUYỀN TỪ CHỐI LUẬT SƯ BÀO CHỮA HAY KHÔNG?

15:58 CH
Thứ Hai 13/11/2023
 459

Người bị buộc tội bao gồm người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo theo quy định pháp luật Tố tụng hình sự. Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa. Vậy khi trong trường hợp bị chỉ định người bào chữa cho mình, người buộc tội có quyền từ chối luật sư bào chữa hay không? Hãy cùng Luật Sao Sáng trả lời qua bài viết sau!

Căn cứ pháp lý: Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015).

I. Người bào chữa theo quy định pháp luật gồm những ai? Trường hợp nào được chỉ định người bào chữa?

     Quy định trong BLTTHS 2015 về người bào chữa như sau:

Điều 72. Người bào chữa

...

2. Người bào chữa có thể là:

a) Luật sư;

b) Người đại diện của người bị buộc tội;

c) Bào chữa viên nhân dân;

d) Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý...”

    Những người sau đây không được bào chữa:

- Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó;

- Người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;

- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xoá án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

     Căn cứ quy định tại Điều 76 BLTTHS 2015 về các trường hợp chỉ định người bào chữa như sau:

Điều 76. Chỉ định người bào chữa

1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:

a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;

b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi...”

     Như vậy, đối với trường hợp người bị buộc tội thuộc điểm a, b khoản 1 Điều 76 BLTTHS 2015, nếu chính người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ.

II. Trường hợp chỉ định người bào chữa, người bị buộc tội có quyền từ chối luật sư bào chữa đó hay không?

     Người bị buộc tội chỉ được coi là có tội khi hành vi phạm tội của họ được chứng minh theo trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng hình sự và có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Nếu không tự bào chữa được thì họ có quyền nhờ người bào chữa, đây là một quyền đã được hiến định, được luật hóa đề cao quyền con người trong tố tụng hình sự. Vậy khi được chỉ định luật sư bào chữa cho mình thì họ có được quyền từ chối việc chỉ định này hay không?

     Chế định về thay đổi người bào chữa trong BLTTHS 2015 được quy định tại khoản 1 Điều 77, cụ thể những người có quyền từ chối người bào chữa là:

- Người bị buộc tội;

- Người đại diện của người bị buộc tội;

- Người thân thích của người bị buộc tội.

     Như vậy, người bị buộc tội có quyền từ chối người bào chữa và mọi trường hợp “từ chối người bào chữa đều phải có sự đồng ý của người bị buộc tội và được lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án”.

     Đối với trường hợp chỉ định người bào chữa theo quy định tại khoản 1 Điều 76 BLTTHS 2015, người bị buộc tội và người đại diện hoặc người thân thích của họ vẫn có quyền từ chối người bào chữa theo quy định tại khoản 3 Điều 77.

     Trường hợp người bị buộc tội từ chối người bào chữa thì thực hiện như sau:

- Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập biên bản về việc từ chối người bào chữa của người bị buộc tội;

- Trường hợp người bị buộc tội là người có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi thì người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội chấm dứt việc chỉ định người bào chữa.

III. Người bào chữa được chỉ định có quyền từ chối bào chữa cho người bị buộc tội hay không?

     Căn cứ quy định về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa theo BLTTHS 2015, quy định tại điểm c khoản 2 Điều 73 có nói về một trong các nghĩa vụ của người bào chữa là: “...Không được từ chối bào chữa cho người bị buộc tội mà mình đã đảm nhận bào chữa nếu không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan...”.

     Theo đó, người bào chữa có nghĩa vụ không được từ chối bào chữa cho người bị buộc tội mà mình đảm nhận bào chữa nếu:

- Không vì lý do bất khả kháng

- Không phải do trở ngại khách quan

     Người bào chữa nếu không chứng minh được lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì không được phép từ chối bào chữa. Nếu vi phạm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị hủy bỏ việc đăng ký bào chữa, bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của luật.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email luatsaosang@gmail.com hoặc qua hotline: 0936.65.36.36 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .