Trẻ em làm hư hại đồ của người khác, cha mẹ có phải bồi thường ?
Trẻ em trong giai đoạn phát triển thường có xu hướng tò mò và chưa có khả năng hiểu rõ hậu quả của hành động mình làm. Điều này dẫn đến việc trẻ em có khá nhiều những hành vi nghịch ngợm quá khích, làm hư hỏng tài sản của người khác. Cha mẹ thường dùng lý do “Trẻ con mà, có biết gì đâu” để tránh né việc bồi thường thiệt hại dân sự. Vậy cha mẹ có trách nhiệm như thế nào đối với các trường hợp trẻ nhỏ nói riêng và người chưa thành niên nói chung có hành vi gây thiệt hại cho người khác? Luật Sao Sáng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về vấn đề này.
1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cha mẹ do con gây ra
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do trẻ gây ra được quy định cả trong Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 và Bộ luật dân sự 2014. Theo quy định tại Điều 74 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra theo quy định của Bộ luật dân sự.” . Còn theo quy định tại Điều 586 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân như sau:
“1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
…”
Như vậy, khi con chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại thì cha mẹ phải bồi thường thiệt hại. Do lúc này người con vẫn chịu sự giám sát quản lý của cha mẹ nên khi con gây thiệt hại thì cha mẹ được xem là có lỗi trong việc quản lý nên cha mẹ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trường hợp tài sản của cha mẹ không đủ mà con có tài sản riêng thì cha mẹ được lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu. Ngoài ra, nếu con từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại mà không đủ tài sản để bồi thường thì cha mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Còn đối với trường hợp trẻ gây ra thiệt hại trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì căn cứ theo Khoản 1 Điều 599 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“1. Người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.”
Như vậy khi người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại trong thời gian trường học, bệnh viện hay pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì thay vì cha mẹ phải bồi thường cho trẻ, trường học sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra.
2. Căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại
Về căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại, căn cứ theo quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trường hợp trẻ em làm hư đồ của người khác, đối với trẻ dưới mười lăm tuổi hoặc trên mười lăm tuổi mà gây thiệt hại về tài sản của người khác nhưng không đủ tài sản để bồi thường thì cha mẹ có thể phải bồi thường thiệt hại cho những khoản chi phí sau:
- Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
- Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
- Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Về mức độ bồi thường thiệt hại, nếu như trẻ gây ra thiệt hại, cha mẹ sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại thực tế một cách kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường … Tuy nhiên trong trường hợp có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình, cha mẹ có thể được giảm mức bồi thường theo quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015.
Khi trẻ em gây thiệt hại cho người khác thì cha mẹ trẻ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên cha mẹ cũng có thể sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường trong một số trường hợp nhất định. Căn cứ quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015:
"2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác."
Như vậy trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại cha mẹ sẽ không cần phải bồi thường thiệt hại do con mình gây ra.
Trong cuộc sống thường ngày, những thiệt hại mà trẻ gây ra thường không lớn dẫn đến việc người lớn thường chỉ cho qua hoặc nhắc nhở trẻ nhỏ. Tuy nhiên cha mẹ nên là người chủ động đề nghị bồi thường cho con cái đối với những lần vô ý làm hư hỏng đồ của đứa trẻ. Bởi khi cha mẹ nhận trách nhiệm bồi thường, họ không chỉ giải quyết hậu quả một cách "gọn gàng" mà còn giúp giáo dục trẻ nhận ra sai lầm, học cách chịu trách nhiệm cho những điều mình làm, làm gương cho trẻ. Bồi thường không có nghĩa là bao che mà bố mẹ cần giáo dục và chỉ rõ cho con cái những thiệt hại có thể xảy ra, dạy trẻ cách xin lỗi, nhận lỗi. Mỗi hành động của cha mẹ không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt mà còn tạo tiền đề cho con cái trưởng thành thành những con người có trách nhiệm và ý thức tôn trọng người khác. Dù tình huống được giải quyết thế nào, điều quan trọng nhất là nhắc nhở và giúp đỡ trẻ hiểu rõ về hậu quả hành động của mình.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn !