Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Bảo lãnh là gì? Phân biệt "Bảo lãnh" và "Bảo lĩnh"?

9:14 SA
Thứ Bảy 15/10/2022
 1395

   “Bảo lãnh” và “bảo lĩnh” là hai thuật ngữ pháp lý thường bị hiểu nhầm với nhau. Dưới góc độ pháp lý, bảo lãnh được dùng trong quan hệ pháp luật dân sự, còn bảo lĩnh được dùng trong tố tụng hình sự.

   1. Khái niệm bảo lãnh

   Bảo lãnh là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Cụ thể, Điều 335 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.”. Đồng thời, “các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh”.

   Theo quy định này, bảo lãnh có các đặc điểm cơ bản sau:

   Thứ nhất, quan hệ bảo lãnh xét cho cùng là quan hệ giữa người bảo lãnh và người cho vay (người nhận bảo lãnh). Điều này có nghĩa là hợp đồng bảo lãnh chỉ phát sinh trên cơ sở có sự chấp thuận ý chí giữa người bảo lãnh và người nhận bảo lãnh.

   Thứ hai, đối tượng của quan hệ bảo lãnh là cam kết về việc người bảo lãnh “thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ” (có thể là toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ).

   Thứ ba, người bảo lãnh là người vay “dự phòng” điều này có nghĩa, nghĩa vụ bảo lãnh chỉ phát sinh khi “bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”. Trong trường hợp áp dụng biện pháp bảo lãnh, người nhận bảo lãnh phải yêu cầu người được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ trước, sau đó nếu người được bảo lãnh không thực hiện (hoặc thực hiện không đúng) thì mới yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình.

   2. Phạm vi bảo lãnh

   Theo quy định tại Điều 336 Bộ luật Dân sự 2015 thì: “Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh”; và quy định “lãi trên số tiền chậm trả" vào nghĩa vụ bảo lãnh, cụ thể:“Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

   Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản khác như ký kết hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình. Ví dụ: A ký hợp đồng bảo lãnh với B để cho C vay vốn (hợp đồng bảo đảm số 1). Trong trường hợp này, giữa A và B hoàn toàn có quyền ký kết hợp đồng cầm cố hoặc thế chấp tài sản của A để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (hợp đồng bảo đảm số 2).

   Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định các bên có quyền ký hợp đồng bảo lãnh để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai. Tuy nhiên phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại.

   3. Phân biệt "Bảo lãnh" và "Bảo lĩnh"?

   Nếu như bảo lãnh là một biện pháp được dùng trong pháp luật dân sự, thì bảo lĩnh là một biện pháp ngăn chặn dùng trong tố tụng hình sự. Cụ thể, bảo lĩnh được quy định tại Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 là: “biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh”.

   Như vậy, bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, do người có thẩm quyền áp dụng để thay thế biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo. Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn ít nghiêm khắc hơn tạm giữ, tạm giam, được áp dụng trong trường hợp không cần thiết phải tạm giam, nhưng thấy cần phải ngăn ngừa bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án.

   Khi quyết định cho bị can, bị cáo được bảo lĩnh, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của họ. Đối tượng được áp dụng biện pháp này thường là bị can, bị cáo phạm tội lần đầu, tính chất ít nghiêm trọng, có nơi cư trú rõ ràng, thái độ khai báo thành khẩn hoặc bị can, bị cáo ốm đau.

   Như vậy, bảo lãnh và bảo lĩnh là hai chế định pháp lý hoàn toàn khác nhau. Bảo lãnh là một biện pháp để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự của các bên trong giao dịch và chỉ được dùng trong quan hệ pháp luật dân sự. Còn bảo lĩnh là một biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam dùng trong tố tụng hình sự.

   Trên đây là nội dung Luật Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về vấn đề Khái niệm “bảo lãnh” và phân biệt hai thuật ngữ pháp lý “bảo lãnh” với “bảo lĩnh”. Nếu có vấn đề nào còn thắc mắc hoặc cần được hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936653636 – 0972172757 để được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất.

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .