Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam (phần 1)

16:36 CH
Thứ Ba 22/06/2021
 5806

Nguyên tắc của một ngành luật nói chung được ví như xương sống của một con người. Nguyên tắc của luật dân sự là những quy tắc chung được pháp luật quy định có vai trò định hướng và chỉ đạo toàn bộ các quy phạm của luật dân sự. Các nguyên tắc của luật dân sự có ý nghĩa rất quan trọng trong việc áp dụng đúng luật dân sự, ngoài ra còn là cơ sở để áp dụng pháp luật trong những trường hợp các quan hệ xã hội chưa có sự điều chỉnh bằng pháp luật.

Để đảm bảo thống nhất trong nhận thức, xây dựng và áp dụng pháp luật góp phần hình thành chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân. Tại Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015) quy định 05 nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự để điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của luật dân sự. Cụ thể:

1/ Nguyên tắc bình đẳng

Đây là một nguyên tắc hiến định và được ghi nhận cụ thể tại khoản 1 Điều 3 BLDS 2015: “Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.” Sự bình đẳng trong quan hệ dân sự thể hiện:

  • Sự bình đẳng giữa các chủ thể, mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, nghĩa là, mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau, mọi pháp nhân đều có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với mục đích hoạt động của mình. Nguyên tắc này được áp dụng đối với mọi chủ thể của quan hệ dân sự, kể cả giữa cơ quan nhà nước với các cá nhân trong quan hệ dân sự.

  • Sự ngang bằng về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, hoàn cảnh kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp của các chủ thể. Các chủ thể không được lấy lý do khác biệt về các yếu tố này để đối xử bất bình đẳng với nhau. Không một chủ thể nào có đặc quyền, đặc lợi so với các chủ thể khác trong quan hệ dân sự. Pháp luật nghiêm cấm các hành vi mang tính quyền lực của một bên đối với bên kia trong giao dịch dân sự.

  • Sự bảo hộ của pháp luật, mọi cá nhân và pháp nhân đều được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và quyền về tài sản.

Tuy nhiên, bình đẳng không có nghĩa là cào bằng, ngang bằng. Trong một số trường hợp, do ý nghĩa xã hội của vấn đề mà BLDS quy định những lợi thế, những ưu tiên nhất định cho đối tượng tham gia quan hệ dân sự. Ví dụ: Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó - khoản 2 Điều 405 BLDS 2015.

Nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ dân sự là nguyên tắc có ý nghĩa rất quan trọng của pháp luật dân sự. Đây là một nguyên tắc cơ bản áp dụng trong các quan hệ pháp luật dân sự nói chung và trong từng chế định, quy phạm của pháp luật dân sự. Đây cũng là nguyên tắc tiền đề để được cụ thể hóa trong các luật chuyên ngành như: Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng của các doanh nghiệp trước pháp luật không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế (Điều 5 Luật doanh nghiệp năm 2014), nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của thương nhân trong hoạt động thương mại (Điều 10 Luật thương mại năm 2005)...

2/ Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận

Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận được ghi nhận tại khoản 2 Điều 3 BLDS 2015, là nguyên tắc quan trọng bao trùm lên toàn bộ quan hệ dân sự, nguyên tắc này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ dân sự, những quan hệ mang tính chất cá nhân. Nguyên tắc này được đưa lên là nguyên tắc đầu tiên trong các nguyên tắc cơ bản của luật dân sự có ý nghĩa nhấn mạnh việc áp dụng nguyên tắc này trong các giao dịch dân sự của đời sống xã hội, vì phần lớn các quan hệ trong đời sống dân sự được thực hiện thông qua hình thức cam kết, thỏa thuận.

Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận có nội dung cơ bản là: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.”. Theo đó, các chủ thể hoàn toàn tự quyết định có thể tham gia hay không tham gia các giao dịch dân sự, chủ thể khác không được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe dọa hay ngăn cản; có quyền thỏa thuận và lựa chọn nội dung và hình thức của cam kết, trừ những nội dung pháp luật bắt buộc các bên phải tuân thủ khi xác lập giao kết; có quyền thay đổi, tạm đình chỉ hay hủy bỏ việc thực hiện cam kết, thỏa thuận xuất phát từ lợi ích của mình và phù hợp với lợi ích của đối tác và người thứ ba; có quyền hòa giải, tự giải quyết các tranh chấp hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm phạm.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn pháp lý và tạo môi trường lành mạnh và ổ định cho sự phát triển kinh tế - xã hội, sự tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận của các chủ thể được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Nguyên tắc này còn ghi nhận mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng. Nghĩa là, sự tự do, cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội của các bên trong các giao dịch dân sự có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên, trong trường hợp các bên có thỏa thuận thì phải tuân theo, chỉ khi các bên không thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được với nhau thì tuân theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, sự tự do cam kết, thỏa thuận của các bên còn được pháp luật bảo hộ, nghĩa là những cam kết, thỏa thuận đó phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng. 

Trường hợp có vi phạm nguyên tắc này, thì giao dịch dân sự mà các bên tham gia sẽ bị coi là vô hiệu, song sự vô hiệu đó chỉ là tương đối, nghĩa là hiệu lực giao dịch đó phụ thuộc vào sự lựa chọn và tự do ý chí của các bên có thể thay đổi cam kết, thỏa thuận đó hay không.

(tiếp theo)

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .