CÁC TRƯỜNG HỢP, ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC GIẢM MỨC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI
Trường hợp được giảm mức bồi thường thiệt hại là khi người gây thiệt hại không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế thì người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại được giảm mức bồi thường. Vậy trường hợp cụ thể được giảm mức bồi thường gồm những gì và điều kiện để giảm mức bồi thường theo quy định của pháp luật như thế nào?
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự 2015.
1. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải thỏa mãn các yếu tố:
- Có thiệt hại thực tế xảy ra:
Thiệt hại thực tế là gì?
Thiệt hại thực tế là những tổn thất thực tế được tính thành tiền, do việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của cá nhân, tổ chức
- Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật hoặc có hành vi vi phạm hợp hợp đồng:
Quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản là một quyền tuyệt đối của mọi công dân, tổ chức.
Mọi người phải tôn trọng quyền đó của chủ thể khác, không được thực hiện bất cứ hành vi nào “xâm phạm” đến các quyền đó.
- Có lỗi của người gây thiệt hại:
Người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm dân sự khi họ có lỗi.
Xét về hình thức lỗi là thái độ tâm lý của người có hành vi gây thiệt hại, lỗi được thể hiện dưới dạng vô ý hay cố ý.
- Có mối liên hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật:
Thiệt hại xảy ra là kết quả của hành vi trái pháp luật hay nói cách khác hành vi trái pháp luật là nguyên nhân của thiệt hại xảy ra.
2. Điều kiện được giảm mức bồi thường thiệt hại:
Theo nguyên tắc của việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì thiệt hại bao nhiêu phải bồi thường bấy nhiêu. Tuy nhiên, trên thực tế có những trường hợp nếu áp dụng nguyên tắc trên sẽ không mang lại hiệu quả trong việc áp dụng pháp luật vì người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại không thể bồi thường toàn bộ thiệt hại. Cho nên, pháp luật dự liệu các trường hợp giảm mức bồi thường thiệt hại cho người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Để được giảm mức bồi thường thiệt hại cần có hai điều kiện:
- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại không có lỗi hoặc có lỗi vô ý. Tức là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại không lường trước được hành vi của mình sẽ gây ra thiệt hại cho chủ thể khác
- Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế của người chịu trách nhiệm bồi thường. Điều này có nghĩa là xét tại thời điểm bồi thường cũng như trong tương lai thì người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại không có khả năng kinh tế để bồi thường phần lớn hay toàn bộ thiệt hại mà mình gây ra
3. Các trường hợp, điều kiện được giảm mức bồi thường thiệt hại:
- Các bên thỏa thuận
Pháp luật dân sự luôn tôn trọng và ưu tiên về quyền tự do thỏa thuận và thiện chí của các bên trong giao dịch, nếu như thỏa thuận đó không trái với các quy định của pháp luật. Bởi vậy cho nên về nguyên tắc áp dụng đối với việc giảm mức bồi thường thiệt hại trước hết cũng sẽ theo ý chí, sự tự nguyện của các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường.
Theo đó thì Tòa án có thể căn cứ vào sự tự nguyện thỏa thuận của chính bản thân người bị thiệt hại với những người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại để ấn định về mức bồi thường thấp hơn số thiệt hại do người đó gây ra.
- Hợp đồng mua bán tài sản
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 449 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về mức bồi thường thiệt hại trong thời hạn bảo hành thì bên bán sẽ không phải bồi thường thiệt hại nếu như chứng minh được các thiệt hại xảy ra là do lỗi của bên mua. Bên bán sẽ được giảm mức bồi thường thiệt hại nếu như bên mua không áp dụng các biện pháp cần thiết mà trong khả năng cho phép nhằm để ngăn chặn, hạn chế các thiệt hại. Theo quy định này thì nếu như sản phẩm mua bán mà có khuyết tật nhưng bên mua lại không chứng minh được thiệt hại nhưng lại không đủ các điều kiện cần thiết khác như là mối quan hệ nhân quả, lỗi,… thì bên bán sẽ không phải bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, bên bán cũng sẽ không phải bồi thường thiệt hại hoặc họ được giảm mức bồi thường nếu như thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên mua hoặc bên mua không áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm để khắc phục thiệt hại.
Theo đó, bên bán trong hợp đồng mua bán tài sản họ sẽ được giảm mức bồi thường thiệt hại nếu như bên mua không áp dụng những biện pháp cần thiết mà trong khả năng cho phép nhằm để ngăn chặn, hạn chế các thiệt hại hoặc các thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên mua.
- Thực hiện công việc không có ủy quyền
Tại Khoản 2 của Điều 577 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định nếu như người thực hiện công việc không có ủy quyền do lỗi vô ý mà gây hại trong khi thực hiện công việc không có ủy quyền do lỗi vô ý mà gây hại trong khi thực hiện các công việc thì căn cứ vào hoàn cảnh đảm nhận các công việc người đó thì có thể được giảm mức bồi thường.
Việc thực hiện công việc không có ủy quyền xuất phát từ sự tự nguyện của một bên, tuy vậy sự tự nguyện này sẽ cần phải tuân theo quy định của pháp luật. Trường hợp bên thực hiện các công việc không có ủy quyền gây ra các thiệt hại do lỗi cố ý thì họ sẽ phải tự chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà mình gây ra đối với bên mà có công việc được thực hiện. Trách nhiệm bồi thường được đặt ra khi mà có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại, tuy nhiên sẽ căn cứ vào mức độ lỗi, bên thiệt hại sẽ có thể được giảm mức bồi thường đối với những thiệt hại mà mình gây ra. Theo đó, trong trường hợp mà người thực hiện công việc không có ủy quyền do lỗi vô ý mà gây ra thiệt hại trong khi thực hiện các công việc thì căn cứ vào hoàn cảnh đảm nhận công việc, người đó có thể được giảm mức bồi thường.
- Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Tại Khoản 2 Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định những người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu như không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và gây ra thiệt hại quá lớn so với tình hình khả năng kinh tế của mình. Có nghĩa là khi thiệt hại thực tế xảy ra thì bên bồi thường và bên bị thiệt hại hoàn toàn có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường, phương thức bồi thường. Nếu như các bên không thỏa thuận được việc giải quyết bồi thường thì việc bồi thường sẽ phải tuân theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại họ có thể được giảm mức bồi thường, nếu như họ không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và gây ra các thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
Khi không đủ khả năng bồi thường thiệt hại, nếu muốn giảm mức bồi thường thì người gây thiệt hại cần thực hiện 02 cách sau:
- Phải thương lượng được với bên bị thiệt hại về việc giảm mức bồi thường
- Đề nghị Tòa án thay đổi mức bồi thường nếu thiệt hại quá lớn so với tình hình kinh tế và bản thân không có lỗi hoặc có lỗi do vô ý, do tình hình thực tế không còn phù hợp với mức bồi thường hoặc do bên bị thiệt hại cũng có lỗi.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 – 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!