Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

14:23 CH
Thứ Hai 19/09/2022
 891

      Trong đời sống sinh hoạt vì nhiều lý do khác nhau mà tài sản, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cá nhân không khỏi bị xâm hại. Hàng ngày chúng ta có thể dễ dàng thấy hàng chục vụ tai nạn, hỏa hoạn cháy nổ dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng cả về con người lẫn tài sản trên các phương tiện thông tin đại chúng.

      Các căn cứ để xem xét một người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại gồm những gì? Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây về điều kiện, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Khái niệm căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

      Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có thể hiểu là những yếu tố, điều kiện, cơ sở được pháp luật quy định mà khi có đủ các yếu tố này chúng sẽ xác định được trách nhiệm bồi thường, người phải bồi thường, người được bồi thường và mức độ bồi thường.

Quy định của pháp luật về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

      Hiện nay, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 584 Bộ Luật dân sự năm 2015:

           Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”.

      Quy định này còn được hướng dẫn cụ thể tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP  ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP), việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được áp dụng khi có đầy đủ các điều kiện sau: Phải có thiệt hại xảy ra; Phải có hành vi trái pháp luật; Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật.

Có thiệt hại xảy ra

      Thiệt hại xảy ra trên thực tế là điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất quyết định tới trách nhiệm bồi thường. Mục đích cuối cùng của việc bồi thường là khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc bù đắp những tổn thất cho người bị thiệt hại. Nếu trên thực tế không xảy ra bất kỳ thiệt hại nào nhưng lại đáp ứng được các điều kiện khác thì vấn đề bồi thường cũng không thể nào được đặt ra.

      Thiệt hại là những tổn thất, mất mát về vật chất hoặc tinh thần mà người bị thiệt hại, thậm chí là người thân thích của người bị thiệt hại phải gánh chịu từ hành vi của người gây thiệt hại.

Theo quy định tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP, thiệt hại thực tế bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về do tổn thất về tinh thần:

-Thiệt hại về vật chất bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, cụ thể như sau:

+ Thiệt hại về tài sản: biểu hiên cụ thể là mất tài sản, giảm sút tài sản, những chi phí để ngăn chăn, hạn chế, sửa chữa thay thế, những lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác công dụng của tài sản

+ Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc; chi phí hợp lý cho việc chăm sóc trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc.

+ Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết.

+ Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

-Thiệt hại do tổn thất về tinh thần

+ Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mấy uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm.. và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.

+ Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của pháp nhân và các chủ thể khác không phải là pháp nhân (gọi chung là tổ chức) được hiểu là do danh dự, uy tín bị xâm phạm, tổ chức đó bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm, lòng tin… vì bị hiểu nhầm và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà tổ chức phải chịu.

Thiệt hại trên thực tế vô cùng đa dạng và phong phú cho nên việc xác định chính xác các thiệt hại xảy ra dựa vào các chứng cứ khách quan là cơ sở quan trọng để xác định chính xác mức bồi thường tương ứng trong từng vụ việc.

Có hành vi trái pháp luật

      Hành vi trái pháp luật là xử sự của chủ thể đã có hành động hoặc không hành động trái với các quy tắc xử xự mà đã được pháp luật quy định. Cụ thể hơn hành vi trái pháp luật là hành vi vi phạm điều mà pháp luật cấm thực hiện hoặc yêu cầu thực hiện nhưng chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đúng không đầy đủ.

      Tuy nhiên không phải hành vi gây thiệt hại đều là hành vi trái pháp luật. Hành vi gây thiệt hại có thể là hành vi hợp pháp nếu việc thực hiện hành vi đó theo nghĩa vụ mà pháp luật cho phép, đặc thù nghề nghiệp buộc họ phải thực hiện. Với trường hợp trên này sẽ không phải bồi thường thiệt hại vì pháp luật cho phép họ thực hiện hành vi gây thiệt hại nhằm mục đích tốt hơn cho người bị thiệt hại (Ví dụ: bác sĩ có thể cắt bỏ một bộ phận cơ thể để cứu sống bệnh nhân,…).  

      Chủ thể có hành vi gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng hay tình thế cấp thiết hoặc có sự đồng ý của người bị thiệt hại, trong trường hợp với lỗi hoàn toàn của người bị thiệt hại cũng không phải bồi thường. Nhưng khi vượt quá phòng vệ chính đáng hoặc vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết sẽ phải bồi thường theo quy định tại Khoản 2 Điều 613 và Khoản 2 Điều 614  BLDS năm 2015.

      Ngoài các trường hợp trên, người có hành vi gây thiệt hại nhưng không bị coi là hành vi trái pháp luật còn còn các trường hợp xảy ra do bất khả kháng, người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi. Tuy nhiên BLDS năm 2015 vẫn để ngỏ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về bồi thường, nhằm tôn trọng ý chí của các bên trong vụ việc.

Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật

      Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật phải là nguyên nhân trực tiếp hoặc có ý nghĩa quyết định đối với thiệt hại xảy ra (Ví dụ: Vì anh A đánh anh B nên anh B mới bị thương, các vết thương trên người anh B là do anh A trực tiếp tạo thành xâm phạm tới quyền bất khả xâm phạm về thân thể của anh B).

      Việc xác định đúng mối quan hệ nhân quả giữ hậu quả và hành vi có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định trách nhiệm bồi thường của chủ thể. Vì vậy khi thực hiện xác minh mối quan hệ nhân quả cần phải hết sức thận trọng, dựa trên những chứng cứ khách quan và xem xét toàn diện. Có như vậy mới có thể xác định được đúng nguyên nhân và trách nhiệm của người gây thiệt hại.

Yếu tố lỗi của chủ thể

      Lỗi được hiể là thái độ tâm lí của con người đối với hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội của mình và đổi với hậu quả do hành vi đó gây ra được biếu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý.

      Lỗi cố ý là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.

      Lỗi vô ý là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

      Quy định tại Điều 584 BLDS năm 2015 không ghi nhận lỗi là một trong các căn cứ phát sinh trách nhiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên đây vẫn là yếu tố quan trọng trong việc giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2 Điều 584, Khoản 2 Điều 585 và Khoản 2 Điều 596 khi người gây thiệt hại không phải bồi thường khi thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại, bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra,…

      Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về vấn đề Căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Mọi nhu cầu hỗ trợ pháp lý xin vui lòng liên hệ qua hotline 0936.65.36.36 hoặc gửi câu hỏi qua email: luatsaosang@gmail.com để được tư vấn và hỗ trợ.

     Rất mong được hỗ trợ và hợp tác!

     Xin chân thành cảm ơn!

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .