Đánh giá bất cập về điều kiện tặng cho trong hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện theo BLDS năm 2015
BLDS năm 2015 quy định về điều kiện tặng cho trong HĐTCTSCĐK tại khoản 1 Điều 462, theo đó: “Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”. Quy định này còn khá chung chung, chưa thể hiện rõ các đặc tính của HĐTCTSCĐK về mặt lý thuyết cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu điều chỉnh các quan hệ phát sinh trên thực tiễn. Những bất cập bao gồm:
Thứ nhất, tính không đền bù của HĐTCTSCĐK còn chưa được quy định cụ thể, chưa phù hợp với lý thuyết cũng như nhu cầu thực tiễn.
Xuất phát từ bản chất thuật ngữ “tặng cho”, dù là HĐTC thông thường hay HĐTCTSCĐK, tính không đền bù luôn được coi là đặc trưng không thể thiếu. Tức là, bên tặng cho trong HĐTCTSCĐK không được giao kết hợp đồng để nhắm tới lợi ích riêng. Do đó, điều kiện tặng cho trong HĐTCTSCĐK cũng phải đảm bảo không mang lại lợi ích cho bên tặng cho. Trên thực tế, có quan điểm cho rằng nếu bên tặng đưa ra điều kiện mang lại lợi ích cho mình nhưng là lợi ích gián tiếp, hoặc trực tiếp nhưng không đáng kể so với lợi ích bên nhận tặng cho được hưởng thì chưa bị coi là mất tính không đền bù Mặc dù vậy, việc chưa đưa ra các quy định cụ thể về điều kiện tặng cho vẫn được coi là thiếu sót cần được khắc phục. Bất cập này có thể gây nên những ảnh hưởng tiêu cực tới thực tiễn ký kết hợp đồng cũng như áp dụng pháp luật. Bởi lẽ, quy định về một loại hợp đồng phải được xây dựng tương thích với cơ sở lý luận của chính hợp đồng đó. Việc không đảm bảo được tính không đền bù có thể khiến HĐTCTSCĐK bị biến tướng trở thành một loại hợp đồng khác hoặc được các bên ký kết nhằm che giấu một giao dịch khác, né tránh các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Thứ hai, những bất cập liên quan đến điều kiện “không được bán”.
Theo định nghĩa, bên tặng cho sẽ chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên nhận tặng cho, tức là bao gồm cả ba quyền năng: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Vậy nếu trong trường hợp bên tặng cho đưa ra điều kiện yêu cầu bên được tặng không được bán tài sản thì nên được hiểu như thế nào? Xét về mặt pháp lí, điều kiện này hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 462 BLDS 2015 nhưng mặt khác lại hạn chế đi quyền sở hữu của bên được tặng. Trường hợp này vẫn chưa được cụ thể hóa trong luật và các văn bản hướng dẫn, tạo nên nhiều các quan điểm giải quyết khác nhau khiến các cơ quan tiến hành tố tụng bối rối trong việc áp dụng pháp luật. Bất cập về điều kiện dạng “không được bán” nên được xem là một trong những điểm đáng lưu ý trong công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền. Thực tế cho thấy, có nhiều người muốn tặng đất đai cho con nhưng lại không muốn con cái đem bán mảnh đất đó vì nhiều lý do khác nhau. Do điều kiện “không được bán” vẫn chưa có cách hiểu thống nhất, có thể xảy ra trường hợp bất động sản được tặng cho không thể bán do người sử dụng đất nhận tặng cho quyền sử dụng đất với điều kiện “không được bán”, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chính những người sử dụng đất đó, cũng như những người có quyền thừa kế sau này.
Thứ ba, điều kiện tặng cho được quy định là “...không vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội...”.
Thực tế cho thấy, việc xác định một điều kiện có trái đạo đức xã hội hay không là rất khó, bởi nó phụ thuộc vào các hoàn cảnh xung quanh điều kiện đó, cũng như quan điểm và cách nhìn nhận của mỗi người. Mặc dù các nhà làm luật đặt ra quy định này nhằm ngăn chặn những điều kiện sai trái, đi ngược lại các giá trị đạo đức mà luật chưa điều chỉnh đến. Tuy nhiên, nếu xảy ra tranh chấp, việc giải thích một điều kiện có trái đạo đức xã hội hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào cách lập luận, lý lẽ, tài tranh biện của các bên tranh chấp mà không có bất kỳ một hệ quy chiếu tiêu chuẩn nào để đánh giá. Bất cập này tương đối nghiêm trọng, bởi nó có thể khiến cho việc áp dụng pháp luật trở nên thiếu thống nhất. Ví dụ, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm, với khả năng tranh biện của luật sư, điều kiện tặng cho được thẩm phán cấp sơ thẩm xác định là không trái đạo đức xã hội. Nhưng khi lên đến cấp phúc thẩm, người luật sư không đủ lý lẽ để thuyết phục vị thẩm phán nên điều kiện này lại bị xem là trái đạo đức xã hội. Do thẩm phán các cấp xét xử độc lập, nên điều kiện tặng cho đã được xác định là không trái đạo đức xã hội ở cấp sơ thẩm hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc ra quyết định của thẩm phán cấp phúc thẩm.
Thứ tư, luật chưa quy định điều kiện tặng cho phải đảm bảo tính khả thi.
Trong trường hợp bên tặng cho cố ý đưa ra điều kiện mang tính thách đố không thể thực hiện được thì có được coi là điều kiện tặng cho không? Đây là một nội dung vẫn còn đang bị bỏ ngỏ trong quy định hiện nay. Điều kiện tặng cho được bên tặng cho đưa ra để giao kết hợp đồng, có thể coi đây cũng là một dạng nghĩa vụ dân sự. Trên thực tế, luật cũ ở nước ta đã có quy định về tính khả thi của nghĩa vụ nhưng pháp luật hiện hành lại không còn quy định nữa. Cụ thể, theo quy định tại khoản 3 Điều 282 BLDS 2005 “Chỉ những tài sản có thể giao dịch được, những công việc có thể thực hiện được mà pháp luật không cấm, không trái đạo đức xã hội mới là đối tượng của nghĩa vụ dân sự”. Bất cập này thực tế không ảnh hưởng nhiều quyền và nghĩa vụ của các bên. Bởi lẽ, trường hợp người tặng cho đưa ra điều kiện vô lý, mang tính thách đó, nằm ngoài khả năng thực hiện của người được tặng cho thì về cơ bản, người tặng cho không có ý định giao kết hợp đồng. Do đó, hợp đồng cũng sẽ không được ký kết hoặc nếu được ký kết cũng sẽ không phát sinh quan hệ chuyển giao tài sản bởi người được tặng cho không thể thực hiện điều kiện tặng cho. Mặc dù vậy, việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 462 vẫn là cần thiết nhằm đảm tính pháp lý cao nhất.
Công ty Luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến mọi lĩnh vực, để tư vấn cho Quý khách hàng có những phương hướng tối ưu và hiệu quả.
Trân trọng Kính chào!