Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Di chúc thế nào là hợp pháp?

16:10 CH
Thứ Hai 14/06/2021
 1967

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Đây là quyền của cá nhân khi đáp ứng điều kiện về năng lực chủ thể có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản theo ý chí của mình. Quyền này thể hiện thông qua việc cá nhân tự quyết định việc lập di chúc (thông qua những hình thức, thủ tục theo quy định của pháp luật), quyền sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ di chúc đã lập, quyền lập di chúc mới thay thế di chúc đã lập trước đó; tự quyết định nội dung của bản di chúc như chỉ định người thừa thế, truất quyền hưởng di sản thừa kế, phân chia di sản thừa kế, dành một phần tài sản để di tặng, thờ cúng, giao nghĩa vụ cho người thừa kế…

 

Pháp luật về thừa kế của nhiều quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam thường quy định có hai hình thức thừa kế là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.

Khái niệm, đặc điểm di chúc

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết (Điều 624 Bộ luật dân sự 2015).

Di chúc thường được thể hiện thông qua một hình thức nhất định trong đó người lập di chúc bày tỏ ý chí của mình về việc định đoạt toàn bộ hay một phần tài sản của mình cho một người hay cho nhiều người khác nhau. Việc chuyển dịch tài sản cho người khác khi di chúc có hiệu lực được coi là thừa kế theo di chúc.

Di chúc có một số đặc điểm cơ bản sau:

Thứ nhất: Di chúc là ý chí đơn phương của cá nhân.

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nên nó được hình thành duy nhất bằng ý chí đơn phương của người để lại thừa kế. Qua việc lập di chúc cá nhân đó có ý định xác lập một giao dịch dân sự về thừa kế. Theo đó người lập di chúc hoàn toàn bằng ý chí của mình quyết định lập di chúc nhằm chuyển giao một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình cho người đã được họ xác định trong di chúc mà không cần biết người đó có nhận di sản hay không, không có sự thoả thuận, cưỡng ép, hay đe doạ từ chủ thể khác.

Thứ hai: Di chúc nhằm chuyển dịch di sản của người chết cho người khác đã được xác định trong di chúc.

Đây là nội dung quan trọng không thể thiếu được của di chúc nếu muốn được coi là căn cứ để dịch chuyển tài sản của người chết cho người khác. Thông thường, một người chỉ lập di chúc trong trường hợp họ có tài sản và muốn bằng ý chí của mình để định đoạt tài sản đó cho ai. Tuy nhiên, cho dù người chết có di sản để lại và có để lại di chúc nhưng trong di chúc không có nội dung về ý định dịch chuyển tài sản cho người khác thì cũng không phát sinh việc thừa kế theo di chúc. Di chúc chỉ đem lại ý nghĩa về mặt vật chất đối với người thừa kế theo di chúc và chỉ thực sự là phương tiện để người để lại thừa kế thực hiện quyền định đoạt đối với tài sản của mình khi trong di chúc có chứa đựng nội dung thể hiện sự dịch chuyển tài sản cho người khác.

Thứ ba: Di chúc được thể hiện dưới hình thức xác định để có thể nhận biết được ý chí của người lập di chúc. Di chúc có thể là di chúc miệng và di chúc bằng văn bản tuy nhiên dù là hình thức nào cũng đều phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật để đảm bảo di chúc có hiệu lực pháp luật.

Thứ tư: Di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc huỷ bỏ bởi người lập di chúc.  Khi người lập di chúc thấy rằng nội dung di chúc đã lập không còn phù hợp, tài sản của người để lại di chúc có thay đổi,… Thì người lập di chúc tự mình thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế di chúc mới. Nếu không muốn phân chia di sản của mình theo di chúc thì người lập di chúc có quyền huỷ bỏ di chúc đã lập. Việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc huỷ bỏ di chúc phải thực hiện theo quy định của pháp luật để đảm bảo hiệu lực của di chúc.

Thứ năm: Di chúc chỉ có hiệu lực khi người để lập di chúc đã chết.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 643 thì di chúc có hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chế. Như vậy, dù cho di chúc có đáp ứng đầy đủ các điều kiện về di chúc hợp pháp thì nó vẫn chưa có hiệu lực khi người lập di chúc còn sống, khi đó những người được hưởng thừa kế theo di chúc cũng không có quyền yêu cầu công nhận di chúc và thực hiện các quyền thừa kế theo nội dung di chúc. Chỉ khi nào người lập di chúc chết, thì di chúc mới phát sinh hiệu lực, đồng thời phát sinh quyền và nghĩa vụ của những người thừa kế theo di chúc, khi đó mới thể hiện đúng ý nghĩa của di chúc cả về thực tiễn và pháp lý.

Điều kiện để di chúc hợp pháp

Trước hết với tư cách là một giao dịch dân sự nên để di chúc được coi là hợp pháp phải đáp ứng đủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được BLDS quy định tại Điều 117: Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.

Mặt khác, di chúc là một hành vi pháp lý đơn phương – một loại giao dịch đặc biệt chỉ có hiệu lực khi người lập di chúc đã chết, do vậy, việc lập di chúc không thể thực hiện bằng hình thức uỷ quyền mà người để lại thừa kế phải tự mình lập di chúc.

Theo quy định tại Điều 630 BLDS 2015, di chúc để được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau:

1. Điều kiện về chủ thể: Người lập di chúc phải có năng lực hành vi dân sự:

“Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự”. Năng lực hành vi dân sự là sự phù hợp giữa nhận thức lý trí của một người đối với hành vi mà họ thực hiện. Để có được sự phù hợp này, người lập di chúc phải ở một độ tuổi nhất định, phải có đủ nhận thức để kiểm soát được sự định đoạt của mình trong di chúc. Vì vậy một người chỉ được coi là có đủ năng lực hành vi dân sự trong việc lập di chúc khi đáp ứng được hai điều kiện sau:

Yêu cầu về độ tuổi: Theo quy định của pháp luật thì một người được coi là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ khi người đó đã thành niên tức là đủ 18 tuổi trở lên trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Lập di chúc là việc chủ sở hữu tài sản quyết định chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác sau khi chết, điều đó đòi hỏi người lập di chúc phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để tự mình lập di chúc thể hiện ý chí của mình. Vì vậy, về nguyên tắc chỉ những người đã thành niên mới có quyền lập di chúc. Tuy nhiên, đối với những người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi, dù chưa thành niên nhưng độ tuổi này đã có những nhận thức nhất định, nếu họ đã có tài sản riêng thì phải thừa nhận quyền định đoạt đối với tài sản của họ. Vì vậy, pháp luật đã cho phép người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc để đảm bảo quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu tài, tuy nhiên phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc do những người ở độ tuổi này nhận thức chưa hoàn hảo, chưa chủ động kiểm soát được sự định đoạt trong di chúc của họ.

Yêu cầu về nhận thức: Độ tuổi và khả năng nhận thức là hai tiêu chí để xác định năng lực hành vi của cá nhân. Một người đã thành niên nhưng không thể nhận thức và làm chủ hành vi thì không đủ điều kiện được lập di chúc. Do vậy, bên cạnh yếu tố về tuổi, yếu tố nhận thức là một điều kiện không thể thiếu trong xác định năng lực hành vi dân sự của người lập di chúc.

Tại điểm a khoản 1 Điều 630 BLDS 2015 đã quy định: “Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc” nên di chúc sẽ không được coi là hợp pháp khi rơi vào các trường hợp sau: Thứ nhất, di chúc được lập ra trong hoặc sau khi người đó có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Thứ hai, người lập di chúc nhưng bị Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định y khoa có thẩm quyền mà thời điểm bị coi là mất năng lực hành vi dân sự trước thời điểm di chúc được lập. Thứ ba, lập di chúc sau khi bị Toà án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự mà di chúc đó không có sự đồng ý của người đại diện.

Người lập di chúc phải hoàn toàn tự nguyện: Di chúc sẽ bị coi là không có sự tự nguyện khi người lập di chúc bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép.

Sự lừa dối được coi là căn cứ để xác định tính bất hợp pháp của di chúc khi sự lừa dối đó đã làm cho người lập di chúc suy nghĩ theo nó và thay đổi nội dung di chúc do tác động của sự lừa dối đó. Nếu sự lừa dối đó không làm cho người lập di chúc thay đổi ý chí định đoạt tài sản của mình thì di chúc đó vẫn được coi là hợp pháp.

Hành vi đe doạ chỉ được coi là căn cứ xác định di chúc vô hiệu khi hành vi đó là cố ý, nhằm đạt được mục đích nhất định và làm cho người bị đe doạ buộc phải lập di chúc theo yêu cầu của người đe doạ mà không còn sự lựa chọn nào khác.

Hành vi cưỡng ép là việc dựa vào hoàn cảnh đặc biệt của người lập di chúc để dồn ép người đó phải miễn cưỡng lập di chúc theo mục đích của người cưỡng ép.

2. Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Nội dung của di chúc là tổng hợp các vấn đề mà người lập di chúc đã thể hiện trong di chúc đó. Vì vậy, một di chúc chỉ được coi là hợp pháp nếu nội dung trong di chúc không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.

3. Hình thức của di chúc không trái quy định của luật

Điều 627 BLDS 2015 đã quy định: “Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng”. Như vậy, theo quy định của pháp luật về thừa kế thì di chúc chỉ được lập bằng một trong hai hình thức là di chúc bằng văn bản hoặc di chúc miệng.

Di chúc bằng văn bản: Tất cả các di chúc được lập thành văn bản đều phải đáp ứng các yêu cầu chung về nội dung, trình tự theo quy định của pháp luật.

  • Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng: Nếu người lập di chúc muốn lập di chúc bằng văn bản nhưng không có người làm chứng thì người lập di chúc phải tự viết, ký vào bản di chúc và phải có những nội dung theo quy định của pháp luật. Do vậy, nếu di chúc bằng văn bản không có người làm chứng mà lại là văn bản đánh máy, không phải người lập di chúc tự viết tay thì cũng không được thừa nhận dù rằng có chữ kí. Ngược lại, nếu người lập di chúc tự viết tay nhưng lại không tự ký mà người khác ký hộ thì di chúc đó cũng không hợp pháp.
  • Di chúc bằng văn bản có người làm chứng: Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy. Tuy nhiên, khi lập di chúc loại này phải có ít nhất là hai người làm chứng và người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng, đồng thời những người làm chứng phải ký vào di chúc và có xác nhận về chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc. Di chúc có người làm chứng phải đáp ứng được những điều kiện về nội dung theo quy định tại điều 631 BLDS 2015 và những người làm chứng cũng phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại điều 632 BLDS 2015 đó là: Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây: Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
  • Di chúc bằng văn bản có công chứng, chứng thực: Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng, chứng thực bản di chúc. Trường hợp, người lập di chúc tự viết bản di chúc và yêu cầu công chứng nhà nước chứng nhận hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng thực thì người lập di chúc phải ký vào bản di chúc trước mặt người có thẩm quyền chứng nhận hoặc chứng thực. Việc lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã phải tuân theo thủ tục quy định của pháp luật.
  • Công chứng viên, người có thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân cấp xã không được công chứng, chứng thực đối với di chúc nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; Người có cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật; Người có quyền, nghĩa vụ về tài sản liên quan tới nội dung di chúc.

Di chúc bằng miệng: là sự thể hiện ý chí thông qua lời nói của cá nhân nhằm dịch chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Để đảm bảo một cách tuyệt đối quyền tự định đoạt của người để lại di sản, pháp luật nước ta đã cho phép trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng. Người di chúc miệng phải thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, những người làm chứng phải ghi chép lại, cùng kí tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ.

Liên quan đến vấn đề trên, khách hàng cần giải đáp, xin liên hệ hotline công ty Luật Sao Sáng - 09366653636 để được hỗ trợ.
Trân trọng!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .