Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân theo Bộ luật dân sự Việt Nam (phần 1)
Năng lực chủ thể của cá nhân trong quan hệ pháp luật dân sự được hội tụ bởi hai yếu tố đó là năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự. Theo Điều 16 Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015) quy định: “Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự”. Như vậy, năng lực pháp luật của cá nhân là “khả năng” cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự. Từ khái niệm trên, có thể thấy năng lực dân sự có điểm như sau:
1/ Đặc điểm năng lực pháp luật dân sự của cá nhân
Thứ nhất, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân do Nhà nước quy định cho cá nhân trong các văn bản quy phạm pháp luật dân sự:
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, nguồn của pháp luật nói chung, nguồn của luật dân sự nói riêng là các văn bản quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành theo một trình tự, thủ tục nhất định. Như vậy, các quyền dân sự và các nghĩa vụ dân sự của cá nhân được ghi nhận trong các văn bản pháp luật được coi là nguồn của luật dân sự. Là nguồn chủ yếu của luật dân sự, BLDS 2015 quy định phạm vi các quyền và nghĩa vụ dân sự của cá nhân rất rộng, bao gồm các quyền và nghĩa vụ dân sự phát sinh từ quan hệ tài sản (sở hữu, nghĩa vụ hợp đồng…), quan hệ nhân thân (quyền nhân thân, quyền sở hữu trí tuệ).
Thứ hai, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có tính giai cấp sâu sắc, phụ thuộc vào chế độ chính trị, bản chất Nhà nước:
Cùng với sự phát triển của lịch sử, pháp luật của các quốc gia đều quy định về năng lực pháp luật cho cá nhân. Qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử, năng lực pháp luật dân sự được quy định khác nhau với những nội dung ngày càng được mở rộng. Mỗi quốc gia khác nhau sẽ quy định năng lực pháp luật dân sự cho cá nhân một cách khác nhau, điều đó phụ thuộc vào chế độ chính trị, bản chất giai cấp, điều kiện kinh tế - xã hội, sự tác động của phong tục, tập quán… Ví dụ: Pháp luật Anh cho phép cá nhân để lại thừa kế cho vật nuôi nhưng pháp luật thừa kế của Việt Nam không cho phép, pháp luật một số quốc gia trên thế giới thừa nhận và cho phép kết hôn đồng giới nhưng pháp luật Việt Nam lại không công nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính….
Ngay trong một quốc gia, qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử xã hội, quy định về năng lực pháp luật dân sự cũng khác nhau. Ví dụ: Pháp luật Việt Nam thời phong kiến, theo Bộ luật Gia Long thời Nguyễn, người phụ nữ đi lấy chồng không có quyền sở hữu tài sản của gia đình, không có của cải riêng nhưng pháp luật dân sự Việt Nam hiện tại không phân biệt nam nữ, cho phép các cá nhân có quyền sở hữu đối với tài sản hợp pháp của mình. Vợ - chồng là đồng chủ sở hữu với khối tài sản chung của vợ chồng, nhưng đồng thời vợ, chồng cũng có quyền có tài sản riêng.
Thứ ba, năng lực pháp luật của cá nhân là bình đẳng:
Khoản 2 Điều 16 BLDS 2015 quy định: “Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau”. Như vậy, các cá nhân khác nhau không phân biệt các mức độ năng lực hành vi dân sự, không phân biệt giới tính, độ tuổi, thành phần tôn giáo… đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau. Tuy nhiên, năng lực pháp luật dân sự chỉ là khả năng mà pháp luật cho phép cá nhân hưởng các quyền dân sự và thực hiện các nghĩa vụ dân sự, do đó để các quyền và nghĩa vụ này trở thành hiện thực thì phải thông qua năng lực hành vi dân sự của cá nhân. Mặc dù pháp luật quy định năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là bình đẳng nhưng không phải bất cứ cá nhân nào cũng có thể bằng hành vi của mình để hưởng các quyền và thực hiện các nghĩa vụ dân sự do Nhà nước quy định. Trong một số trường hợp, nếu cá nhân không thực hiện được các quyền và nghĩa vụ do Nhà nước quy định thì họ có thể xác lập các quan hệ dân sự để hưởng các quyền dân sự, thực hiện các nghĩa vụ dân sự do Nhà nước quy định thông qua hành vi của người đại diện.
Thứ tư, năng lực pháp luật của cá nhân không thể bị hạn chế, trừ trường hợp do pháp luật quy định:
Điều 18 BLDS 2015 quy định: “Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Điều này thể hiện sự bình đẳng của cá nhân và được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Nhà nước ghi nhận cho cá nhân có năng lực hưởng quyền dân sự và thực hiện nghĩa vụ dân sự và bảo đảm cho khả năng hưởng quyền cũng như khả năng thực hiện nghĩa vụ dân sự của cá nhân không thể bị hạn chế.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có thể bị hạn chế. Việc hạn chế năng lực pháp luật dân sự của cá nhân chỉ mang tính tạm thời, được áp dụng đối với một số chủ thể nhất định, trong một số giai đoạn và ở một số địa bàn cụ thể:
-
Hạn chế năng lực pháp luật dân sự được áp dụng đối với một số chủ thể nhất định: Một số chủ thể chịu sự hạn chế về năng lực pháp luật theo quy định của Nhà nước. Ví dụ: Mặc dù khoản 2 Điều 205 BLDS 2015 quy định: “Tài sản hợp pháp thuộc sở hữu riêng không bị hạn chế về số lượng, giá trị”, tuy nhiên theo quy định của Hiến pháp, Bộ luật dân sự, Luật đất đai thì cá nhân không có quyền sở hữu đối với đất đai mà chỉ có quyền sử dụng đất…, đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất và quản lý.
-
Hạn chế năng lực pháp luật dân sự được áp dụng đối với cá nhân trong một số giai đoạn nhất định. Ví dụ: Một người phạm tội có thể bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm làm những nghề nhất định trong một thời hạn.
-
Hạn chế năng lực pháp luật dân sự được áp dụng đối với cá nhân ở một số địa bàn cụ thể: Phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội mà pháp luật hạn chế năng lực pháp luật của cá nhân ở một số địa bàn nhất định (ví dụ như quy định trước đây của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc phải có hộ khẩu tại Thành phố Hà Nội mới được mua nhà ở trên địa bàn thành phố).
Việc hạn chế năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không phải là mang tính vĩnh viễn mà chỉ mang tính tạm thời. Qua một giai đoạn nhất định, nếu xét thấy cần thiết thì việc hạn chế năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có thể được thay đổi. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân do ý chí của giai cấp cầm quyền tạo ra cho các cá nhân sống trong một xã hội nhất định và chỉ có Nhà nước mới có quyền hạn chế, tước bỏ những quyền đã trao cho các cá nhân đó. Theo đó, không có một cá nhân nào có thể dùng ý chí của riêng mình để tước bỏ quyền dân sự của cá nhân khác hoặc chính bản thân cá nhân cũng không được quyền thỏa thuận với cá nhân, chủ thể khác để hạn chế năng lực hành vi dân sự của mình.
(còn nữa...)xem thêm phần 2